ThienNhien.Net – Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (nhóm SEIA) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tiến hành khảo sát khu tái định cư thủy điện A Lưới cho 106 hộ dân tại thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng ( huyện A Lưới). Từ đây, nhiều vấn đề được cảnh báo và rút kinh nghiệm trong quá trình di dân tái định cư, không chỉ ở A Lưới mà còn nhiều địa phương khác tương tự cũng vậy.
“Vấn đề nhà ở thì tạm được, nhưng đất vườn quá cằn cỗi, toàn sỏi đá, trồng cây gì cũng khó” – anh Hồ Văn Lia, một người dân trong khu tái định cư cho biết.
Cũng theo anh Lia, nhà anh được cấp 500 m2 đất ở và nhà, nhưng đất ở đây xấu lắm, đến trồng vài luống rau cải, vồng khoai lang cũng còn còi cọc. Nhiều nhà trong vùng cũng tương tự, nên người dân tại khu tái định cư Cân Tôm chưa mặn mà với khu ở mới.
Qua thực tế, nhóm tư vấn một mặt vừa đánh giá những thông tin liên quan đến tác động môi trường và xã hội của thủy điện A Lưới, vừa có nhiều chương trình nghiên cứu trong năm 2013 nhằm giúp địa phương phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của thủy điện A Lưới, nhằm ổn định cuộc sống của người dân tại khu tái định cư.
Công trình thủy điện A Lưới có tổng vốn đầu tư là 3.234 tỷ đồng, công suất lắp máy 170MW (gồm 2 tổ máy), sản lượng điện bình quân hàng năm ước đạt 686,5 triệu kWh. Điện năng phát ra bổ sung cho nguồn điện lưới quốc gia bằng 2 đường dây truyền tải về trạm 220kV Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) dài 28km và Đông Hà (Quảng Trị) dài 84km. Có 106 hộ dân trong vùng phải di dời để xây dựng công trình thủy điện A Lưới…