ThienNhien.Net – Phóng viên TTXVN tại Ốttaoa, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá nhu cầu về nước trong sản xuất năng lượng khắp thế giới đang ngày một nhiều hơn.
Trong báo cáo triển vọng năng lượng thế giới mới nhất đăng trên mạng tin “Oil Price” ngày 5/2, IEA cho biết việc sản xuất năng lượng đã tiêu thụ 66 tỷ m3 nước ngọt của thế giới trong năm 2010, trong đó nước được sử dụng trong các hệ thống hơi nước của các nhà máy nhiệt điện, làm mát cho các nhà máy điện hạt nhân, công nghệ bẻ gãy thủy lực cho các giếng khí đốt tự nhiên và dầu đá phiến, thủy lợi cho các loại cây trồng nhiên liệu sinh học và vô số công nghệ khác.
Nếu các chính sách hiện nay vẫn được giữ nguyên, lượng nước tiêu thụ của ngành năng lượng sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 135 tỷ m3 vào năm 2035, chủ yếu là cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá và năng lượng sinh học.
Số nước này tương đương với lượng nước toàn bộ dân số Mỹ sử dụng trong 3 năm, hoặc 90 ngày xả nước của Sông Mississippi và gấp 4 lần lượng nước trong hồ chứa lớn nhất nước Mỹ là Hồ Mead của Đập Hoover. Đến năm 2035, các nhà máy nhiệt điện đốt than sẽ sử dụng hơn 50%, trong khi việc sản xuất nhiên liệu sinh học tiêu thụ khoảng 30%, và việc khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ sử dụng khoảng 10% nhu cầu nước có liên quan đến năng lượng toàn cầu.
Tiêu thụ quá nhiều nước vào sản xuất năng lượng là một thách thức lớn bởi các dòng sông, tầng chứa nước và các nguồn nước ngọt khác đã trở nên khan hiếm do tác động của tăng trưởng dân số và lượng mưa ít hơn do biến đổi khí hậu.
Liên hợp quốc dự báo rằng đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người sẽ sống trong các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng, và hai phần ba dân số thế giới có thể sống trong điều kiện thiếu nước.
Do tầm quan trọng của nước trong các hình thức khác nhau của sản xuất năng lượng, điều này làm nảy sinh khó khăn kép: ít có nước ngọt hơn cho con người, cộng với nguồn cung cấp năng lượng khan hiếm và tốn kém hơn.
IEA ước tính lượng nước tiêu thụ tại các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá vào năm 2035 sẽ tăng 84%, từ 38 tỷ m3/năm hiện nay lên 70 tỷ m3/năm.
Các hệ thống được gọi là “làm mát khô” có thể giải quyết được vấn đề này, nhưng các nhà máy sẽ phải tốn kém hơn, trong khi sản xuất được ít điện hơn. Có những giải pháp như chuyển sang sử dụng các phương pháp ít dùng nước hơn như bơm nước cho tưới tiêu, nhưng điều đó sẽ làm tăng việc sử dụng điện.
Ethanol xenluloza, được sản xuất từ các loại cây trồng phi lương thực là một khả năng khác, nhưng IEA ước tính rằng loại ethanol này chỉ có khả năng thương mại hóa sớm nhất là vào năm 2025.
Ngoài ra, mức độ tiêu thụ nước của nhiên liệu sinh học không tương xứng với sự đóng góp của chúng cho năng lượng thế giới: Nhiên liệu sinh học chỉ cung cấp 3% nhu cầu năng lượng dùng trong xe hơi, xe tải, tàu và máy bay, và IEA dự báo lượng đóng góp này chỉ tăng lên 5% vào năm 2035 theo các chính sách hiện nay
IEA cho rằng cách chắc chắn nhất để giảm lượng nước tiêu thụ trong sản xuất điện sẽ là chuyển sang các loại nhiên liệu thay thế. Năng lượng tái tạo cung cấp cơ hội lớn nhất: điện gió và điện mặt trời chỉ cần nhu cầu nước tối thiểu, chiếm chưa đến 1% lượng nước mà ngành năng lượng tiêu thụ hiện nay và trong tương lai.