ThienNhien.Net – Khi nhiều cánh rừng ở các huyện A Lưới, Nam Đôn… liên tiếp bị lâm tặc đốn hạ để lấy gỗ quý hoặc bị chặt bỏ lấy đất làm nương rẫy, thì người dân ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) vẫn bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng dẻ 700 năm tuổi bằng “lời thề” hương ước giữ rừng…
Cách đây hơn 700 năm, khi làng Phò Trạch còn là một ngôi làng cổ có tên Tổng Phò Trạch thì khu rừng dẻ đã được người dân trong làng quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Theo thống kê của UBND xã Phong Bình, rừng dẻ Phò Trạch hiện có nhiều loại cây quý như dẻ, trâm bầu, sen, mưng (lộc vừng)… đã trên 700 năm tuổi. Trong đó, có những cây cổ thụ với đường kính từ 50 đến 70cm luôn nằm trong tầm ngắm của “lâm tặc”.
Ông Phạm Bá Thế (64 tuổi), nguyên Chủ nhiệm HTX Phò Trạch có 26 năm quản lý khu rừng, cho hay: “Theo lưu truyền của ông cha đời trước, vào thời các vua Nguyễn, để bảo vệ khu rừng khỏi bị tàn phá, dân làng đã dựng một cây nêu bằng tre trước bìa rừng, trên treo cái giỏ có mấy sợi roi tre như là lệnh cấm tuyệt đối không ai được vào rừng chặt phá. Qua các đời, nó trở thành một lời thề giữ rừng của làng…”.
Dẫn chúng tôi đi vào khu rừng dẻ, ông Nguyễn Ngọc Bách, Trưởng thôn Rú Hợp tâm sự rằng, nhờ có rừng mà dân làng ông đã có gỗ để dựng nhà, có củi để đốt và hơn nữa, nhờ rừng còn chống được nạn cát bay, cát nhảy trong nhiều năm qua.
“Trước năm 2004, rừng dẻ được HTX cho bà con khai thác luân phiên bằng 1/5 tổng diện tích vào mùa mưa để làm chất đốt. Còn giờ thì nhà nào cũng có bếp gas, bếp điện nên việc vào rừng lấy củi của bà con cũng thưa dần”. Khi chúng tôi thắc mắc, vì sao chỉ chặt cây rừng vào mùa mưa thì ông Bách giãi bày: “Khai thác rừng cũng tùy vào đặc điểm của mỗi loại cây trong rừng. Ví dụ như cây dẻ, cây trâm bầu… nếu được chặt nhánh và bứt lá vào mùa mưa thì cây sẽ nhanh phục hồi và sinh trưởng, đặc biệt là cây không bị… chết” – ông Bách nói.
Những năm gần đây, khi việc khai thác rừng làm chất đốt không còn thì rừng dẻ Phò Trạch trở lại dạng nguyên sinh ban đầu. Đặc biệt, khu rừng đã thành nơi trú ẩn an toàn của người làng Phò Trạch mỗi khi có lũ lớn.
“Trận lụt năm 1999, gia đình tui và nhiều hộ khác trong thôn đã kéo nhau lên rừng dẻ tránh lũ. Mỗi khi lũ đến, trâu, bò trong thôn cũng kéo lên rừng để trú ngụ. Còn vào mùa khô, bà con thôn Phò Trạch và nhiều thôn khác trong xã Phong Bình không còn phải lo cảnh thiếu nước sản xuất khi rừng dẻ đã giữ được nguồn nước ở 2 hồ chứa nước (rộng khoảng 120ha) để tưới tiêu cho 200ha ruộng lúa…”, ông Lê Đình Tiền cho chúng tôi biết thêm.
Đứng trước nạn “lâm tặc” đốn hạ rừng tràn lan thì việc người dân bảo vệ được rừng dẻ Phò Trạch là cả một… kỳ tích. Huyền thoại giữ rừng bằng hương ước thêm một lần nữa khẳng định sự đoàn kết và vai trò của người dân trong việc bảo vệ rừng. “Còn rừng là còn của, mất rừng là… mất tất cả”, ông Thế nói như nhắn gửi trước lúc chúng tôi rời khu rừng dẻ khi trời chiều ngã bóng.