Chỉ rõ các dự án thủy điện sẽ phải dừng triển khai

ThienNhien.Net – Văn phòng Quốc hội cho biết đến tháng 10/2013, Bộ Công Thương phải có báo cáo lại về quy hoạch tổng thể thủy điện, trong đó chỉ rõ các dự án phải dừng, các dự án điều chỉnh và các dự án được tiếp tuc triển khai.

Tại hội nghị về việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII), hôm 4/2, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các ủy ban của Quốc hội đang triển khai giám sát việc thực hiện 7 nghị quyết được ban hành trong kỳ họp cách đây 4 tháng.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường đang giám sát Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, giảm hàng tồn kho. Nhưng quan trọng hơn, tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (dự kiến tháng 10/2013), bộ sẽ phải báo cáo về quy hoạch tổng thể về thủy điện (rà soát lại), trong đó xác định rõ các dự án phải dừng, các dự án phải điều chỉnh, các dự án được tiếp tục triển khai; đồng thời phải có các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện.

Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Bắc Ninh
Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Bắc Ninh

“Chúng tôi sẽ giám sát thủy điện Hòa Bình, nơi đã được đưa vào sử dụng hơn 40 năm qua”, ông Nguyễn Đức Hiền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói. Tại thủy điện Hòa Bình và Sơn La, Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc giải quyết vấn đề đền bù, tái định cư các công trình thủy điện, bao gồm cả những tồn tại, vướng mắc, các chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình được giải quyết đến đâu.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2012, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc rà soát các dự án thủy điện, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chưa có kết quả rà soát cuối cùng và công bố chính thức dự án nào phải dừng, dự án nào được tiếp tục triển khai hoặc điều chỉnh. Tính đến thời điểm này, số phận của nhiều dự án thủy điện vẫn bị “treo” giữa các cuộc tranh cãi. Như hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Quốc hội cũng thúc giục Ủy ban Kinh tế giám sát Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 40 (về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp) giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường căn hộ, xử lý nợ xấu bất động sản, kế hoạch giải quyết nhà ở xã hội…

“Giám sát việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với giải quyết chất lượng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, công ty tài chính và giải quyết nợ xấu”, Quốc hội giao nhiệm vụ bằng văn bản cho Ủy ban Tài chính Ngân sách và Ủy ban Kinh tế giám sát Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu này, nhất là làm tốt việc quản lý nhà nước trên thị trường vàng, không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội : “Muốn giám sát hiệu quả phải chỉ được trách nhiệm cụ thể và có địa chỉ nhận trách nhiệm rõ ràng”. Một số lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh cũng nói rằng trong thời gian ngắn, nhân lực kiêm nhiệm nhiều và năng lực giám sát chưa phải là cao, hiệu quả giám sát cũng còn là một câu hỏi.

Ngay tại kỳ họp thứ 5 tới (dự kiến tháng 5-2013), Quốc hội sẽ tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu. Rất nhiều người được lấy phiếu tín nhiệm là các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, đứng đầu các ngành, các lĩnh vực được Quốc hội giám sát nêu trên.