ThienNhien.Net – Theo mạng tin “Oil price”, than đá là một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Ngày 12/1 vừa qua, Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bắc Kinh đã vọt lên mức cao kỷ lục là 755, trong khi mức nguy hiểm là 301-500, với khuyến cáo mọi người nên tránh các hoạt động thể chất ở ngoài trời; những người bị bệnh tim, phổi, người cao tuổi và trẻ em nên ở trong nhà và giảm hoạt động.
Cùng ngày, lượng hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micron lên tới 886 microgam/m3, cao gấp 35 lần chỉ số an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tỷ lệ tử vong tại những thành phố ô nhiễm thường cao hơn những thành phố “sạch hơn” tới 15-20%.
WHO ước tính hồi năm 2007 rằng có tới 656.000 người Trung Quốc tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí, và 95.600 người khác tử vong vì ô nhiễm nguồn nước.
Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện, sử dụng than đá, khi họ mở rộng ngành sắt thép để phục vụ cho các dự án bong bóng: xây dựng các thành phố ma, các tuyến đường lớn và các bãi đỗ xe. Năng lực sản xuất điện của Trung Quốc từ năm 2005 đến 2011 đã tăng gấp đôi, trong đó 80% là sử dụng than.
Năm 2000, Trung Quốc đã tiêu thụ 1,5 tỷ tấn than, tức 28% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Đến năm 2011, lượng than tiêu thụ đã tăng 153%, lên 3,8 tỷ tấn, tức 47% lượng than tiêu thụ của thế giới. Mức cầu đã tăng trung bình 9%/năm. Nếu bong bóng kinh tế của Trung Quốc không bất ngờ sụt giảm trong năm 2012, thì trong năm 2013, họ có thể tiêu thụ nhiều than hơn toàn bộ thế giới cộng lại.
Trung Quốc hiện có khả năng sản xuất điện lớn nhất thế giới. Ngoài việc hiện là nước tiêu thụ than lớn nhất, Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất nhiều than nhất và có trữ lượng than lớn thứ ba thế giới. Những bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng, Trung Quốc chỉ là nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ 4 thế giới trong năm 2011, mặc dù mức tiêu thụ đã tăng 50% so với năm 2009.
Điện hạt nhân, với 15 lò phản ứng đang hoạt động tính đến giữa năm 2012, chỉ cung cấp một lượng điện nhỏ. Nhưng Trung Quốc đang xây dựng thêm 26 lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện. Khi các loại năng lượng thay thế này vẫn đang “èo uột”, việc tiêu thụ than sẽ tiếp tục tăng. Và dường như, ngày 12/1 vừa qua sẽ không phải là ngày ô nhiễm không khí nhất tại Trung Quốc.
Bất chấp tình trạng ô nhiễm trên, Mỹ đang có cơ hội xuất khẩu than sang Trung Quốc. Trong năm 2012, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 125 triệu tấn than, cao hơn mức kỷ lục năm 1981 và gấp đôi mức than xuất khẩu năm 2009. Tuy nhiên sản lượng than tại Mỹ vẫn đang tiếp tục giảm. Bất chấp mức độ tăng trưởng mạnh trong tiêu thụ than tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, Mỹ đang ngày càng xuất khẩu nhiều than sang châu Âu. Than đá đang rất cạnh tranh tại châu Âu, nơi giá khí đốt tự nhiên đã cao đến mức các nhà sản xuất khí đốt đá phiến tại Mỹ và Canađa phải ngạc nhiên. Tại những nước như Đức và Bỉ, có thời đã từng là những nước khai thác than hàng đầu, việc sản xuất và tiêu thụ than đá đang “rơi tự do”. Vì vậy, các công ty khai thác than đá của Mỹ có thể xuất khẩu 42 triệu tấn than sang châu Âu, trong khi chỉ xuất khẩu 23 triệu tấn than sang châu Á. Nhưng xuất khẩu than của Mỹ sang châu Á đang có xu hướng tăng, bất chấp việc nhiều người dân tại Bắc Kinh hiện phải tìm cách hít thở không khí bên ngoài một cách an toàn.
Để cung cấp các nguyên liệu thô và nhiên liệu hóa thạch cho một nền kinh tế bong bóng, bất chấp các hậu quả, Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch tổng lực giành các nguồn tài nguyên ở khắp mọi hướng. “Xúc tu” của Trung Quốc đang lan xa và rộng. Dầu mỏ đang đứng đầu danh sách của Trung Quốc, tiếp sau là than đá.