ThienNhien.Net – Qua thanh tra 3 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên gồm Thủy điện Sông Ba Hạ, Thủy điện K rông H’Năng và Thủy điện La Hiêng 2, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng và vận hành. Qua đó kiến nghị, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn trong quá trình thực hiện dự án.
Cụ thể, tại dự án Thủy điện Sông Ba Hạ do Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư, có quy mô công suất thiết kế là 220MW được khởi công xây dựng vào tháng 4/2004, hoạt động vào thời điểm cuối năm 2009, đoàn thanh tra đã phát hiện Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ chưa trồng bù đủ diện tích đất rừng đã mất theo quy định tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Trên thực tế mới chỉ đạt được 8,54%.
Đáng chú ý, khi không có giấy phép khai thác tài nguyên nước, song chủ đầu tư dự án là Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đã thực hiện khai thác mặt nước để phát điện. Cùng với đó là không duy trì dòng chảy tối thiểu đoạn sông từ sau đập tràn xả lũ tới nhà máy theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Tương tự, tại dự án Thủy điện Krông H’Năng do Công ty Cổ phần Sông Ba làm chủ đầu tư có quy mô công suất lắp máy 64 MW, đã hoàn thành xây dựng và vận hành phát điện từ tháng 9/2012. Diện tích chiếm đất của dự án tại tỉnh Phú Yên là 142,92ha, trong đó đất rừng là 120,14ha.
Qua thanh tra đã phát hiện, trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy, chủ đầu tư cũng “lờ” đi khi chưa trồng bù đủ diện tích đất rừng đã mất do triển khai dự án theo quy định tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Và thực tế mới chỉ đạt 2,86%.
Cơ quan thanh tra còn chỉ rõ, chủ đầu tư còn chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định; chưa có giấy phép khai thác tài nguyên mặt nước; không duy trì dòng chảy tối thiểu. Đặc biệt là không có chương trình phòng, chống lụt, bão cho vùng hạ lưu do xả lũ hồ chứa cho UBND 2 tỉnh là Đắk Lắk và Phú Yên.
Đối với dự án Thủy điện La Hiêng 2 do Công ty Cổ phần VRG Phú Yên làm chủ đầu tư có quy mô công suất lắp máy 18 MW. Công trình được khởi công vào tháng 9/2009 và dự kiến phát điện tháng 6/2013. Thế nhưng, đoàn thanh tra đã phát hiện, diện tích đất khu phụ trợ của dự án đang sử dụng đã hết thời hạn thuê, nhưng công ty này vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ xin gia hạn; chưa được thuê đất đối với diện tích đất xây dựng hạng mục đường dây trung áp và trạm biến áp.
Không những vậy, các loại chất thải rắn phát sinh ở khu vực đầu mối thủy điện và khu vực nhà máy, lòng suối La Hiêng là chất thải nguy hại nhưng chưa được công ty thu gom, xử lý. Một tồn tại, hạn chế khác cũng được đoàn thanh tra phát hiện đó là, công ty này cũng không lập hồ sơ, báo cáo về chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động phát điện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, 3 dự án thủy điện trên còn có những tồn tại, hạn chế, trong đó có trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh Phú Yên. Cụ thể, UBND tỉnh này chưa quy định các giải pháp để yêu cầu chủ dự án thủy điện tham gia trồng mới rừng để bù diện tích đất rừng đã chuyển mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Mặt khác, UBND tỉnh Phú Yên có trách nhiệm khi chậm xử lý hồ sơ thuê đất để xây dựng các hạng mục như: đường dây, trạm biến áp đối với dự án thủy điện La Hiêng 2, và xử lý diện tích đất đã hết hạn sử dụng của dự án thủy điện Krông H’Năng.
Sau khi chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần phải chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao cho dự án thủy điện; đôn đốc các chủ dự án hoàn chỉnh hồ sơ thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.