ThienNhien.Net – Những cây đước có độ tuổi hàng chục năm ở rừng phòng hộ Tam Giang I thuộc xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đang bị “xẻ thịt” hàng ngày. Điều khiến dư luận địa phương bức xúc là việc lâm tặc ngang nhiên vào rừng đốn cây, rồi vận chuyển đi trước mặt các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Tam Giang I cứ như có sự tiếp tay.
Chạy dọc theo những dải rừng phòng hộ hàng trăm ha thuộc BQLRPH Tam Giang I, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều biển cấm với nội dung: “Rừng phòng hộ rất xung yếu. Nghiêm cấm chặt phá cây rừng, cư trú trái phép, đào bới đất rừng”. Nếu nhìn từ bên ngoài không ai nghĩ rằng rừng ở đây đang bị tàn phá. Bởi bao bọc bên ngoài đều còn những vạt rừng xanh tươi.
Thế nhưng đi sâu vào bên trong ta mới giật mình khi những cây đước già có giá trị đang bị lâm tặc đốn tỉa hàng ngày.
“Xí” là đốn
Trong vai một người đi tìm mua cây gỗ có nhiều năm tuổi về cất nhà, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Tươi (còn gọi ông Tư “bầy hầy”) ở ấp Hố Rùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Không ngần ngại, ông Tư “bầy hầy” giới thiệu ngay với khách: “Ở đây chỉ có mình anh bán đước già thôi. Em muốn tìm cây tốt thì phải lên đây, ở nơi khác không có cây già đâu. Nếu em mua thì anh giới thiệu chủ đò, nó chở lên cho”.
Chúng tôi nghi ngại về việc cây chở bằng đò sẽ bị lực lượng chức năng phát hiện. Tư “bầy hầy” vội trấn an: “Bây giờ khỏe lắm, cây cối đi tự do, không như hồi trước. Tụi chạy đò nó là chuyên gia, không sợ gì hết. Tụi này mua trạm hết rồi”.
Vị lâm tặc còn chỉ cho chúng tôi cách dùng đước khi cất nhà. “Cây này khi cất đừng đẽo bỏ mắt, muốn cây lâu hư thì để nguyên mắt, chỉ bào vỏ thôi”. Nói xong ông ta hối thúc: “Bây giờ em cứ tính ra cái nhà của em cần bao nhiêu cây, bao nhiêu cột để anh biết đường tính tiền”.
Trước lời đề nghị của Tư “bầy hầy”, chúng tôi tỏ vẻ vui mừng hỏi tiếp: “Nếu anh có nhiều cây để bán thì lát nữa cho em xin số điện thoại, bạn bè em cũng đang cần. Có gì em liên hệ với anh”. Không một chút do dự, Tư “bầy hầy” gật đầu đồng ý ngay: “Ừ, có gì em cứ điện, anh bỏ cây xuống đò chở lên cho”.
Sau một hồi trao đổi, chúng tôi đặt nghi vấn: “Cây quý như vậy làm sao anh vào rừng đốn được?”. “Bụp hết trơn hà, cây nào “xí” (đánh dấu) là bụp. Cây tôi đốn từ 30 năm tuổi trở lên, cây già mình mới đốn chứ cây non đốn làm chi. Rừng này cây nào quý là tôi cứ đốn”. “Một năm anh đốn hạ bao nhiêu khối gỗ?”. “Không tính nổi đâu vì không để ý, bán rồi là xong hà”. Tư “bầy hầy” thật thà.
Được bảo kê
Theo lời người dân địa phương thì ở xứ này Tư “bầy hầy” nức tiếng có “uy tín” với các cán bộ của BQLRPH Tam Giang I. Mà đặc biệt là với ông Huỳnh Đắc Nhẫn, Giám đốc BQLRPH Tam Giang I. Bởi gia đình Tư “bầy hầy” thường hay giúp cán bộ lâm trường đắp đập hay giúp ông Nhẫn đốn cây rừng chở về làm cột nhà hoặc cho tặng người khác…
Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi, vợ Tư “bầy hầy” khẳng định: “Ở xứ này ai cũng không được hết, chỉ có nhà chị hà. Ví dụ như em lại làm thân với anh Năm Nhẫn nhưng khi xin cái gì cũng ông này (ý nói Tư “bầy hầy”) chứ ông khác vô không được. Vì gia đình chị từ trước đến giờ làm ăn có uy tín lắm, giả sử anh Năm Nhẫn kêu vào đốn một chục cây là chỉ đốn một chục cây chứ không tới cây thứ 11. Còn cái nào muốn xin thì xin”.
Đưa mắt liếc quanh căn nhà làm toàn bằng cây trong rừng phòng hộ Tam Giang I, Tư “bầy hầy” tự hào rằng cái nhà mình đang ở từ cây, ván lát… tất tần tật đều do lâm trường Tam Giang I cho.
Việc lâm tặc được sự “bảo kê” của ông Huỳnh Đắc Nhẫn, giám đốc BQLRPH Tam Giang I để đốn phá cây rừng đã không còn lạ lẫm gì đối với người dân bản xứ. Ông Hai A, người thường xuyên chứng kiến cảnh xuồng ghe nườm nượp chở cây ra vào rừng bức xúc: “Thường thì Tư “bầy hầy” vào rừng buổi sáng để đốn cây. Đến chiều thì mới chở cây ra, nếu đốn 2 xuồng cây thì phải chia cho ông Nhẫn 1 xuồng cây tốt. Sự việc này đã diễn ra hơn 2 năm nay, nhưng có cơ quan chức năng nào xử lý đâu”.
“Cất nhà chỉ tốn tiền ăn vì có lâm trường lo hết”, Tư “bầy hầy” nói. Chúng tôi vờ hỏi, cây được làm cột, rồi ván lát sàn to đùng như thế chắc có độ tuổi nhiều năm lắm? “Cây này có độ tuổi ít nhất từ 40-50 năm. Nhà này làm toàn bằng cây già không hà. Không chỉ thế đâu, anh Năm Nhẫn còn cho tôi thêm nguyên bộ cột cây già. Vừa rồi định cất nhà nhưng thấy tiếc quá nên để lại. Bây giờ em mua thì anh bán luôn cho”. Tư “bầy hầy” nói.
“Ông sống ở đây được giám đốc chống lưng thì khỏe quá”. Lúc này Tư “bầy hầy” tỏ ra khiêm tốn: Cũng nhờ bạn bè thương rồi giúp cả thôi. Tôi và Năm Nhẫn chỉ mới quen 7-8 năm nay nhưng anh em chơi rất thân nhau. Mình hay làm giúp ổng nhiều việc lắm. Như mới hôm trước anh vừa đốn trong rừng cho anh Năm Nhẫn hơn trăm cây nè.
Dù đã được chồng mình ngỏ lời trước nhưng vợ Tư “bầy hầy” cũng tỏ ra là người khá cẩn thận khi chúng tôi đặt vấn đề mua nhiều cây. “Cái gì cần thì chị xin thôi, chứ không dám làm ẩu làm tả đâu. Lúc này mà tụi em muốn nhiều cây là không có đâu. Ngay cả chị, mấy hôm nay định xin anh Năm Nhẫn xuồng cây về hầm than mà còn không được. Lúc này cận Tết nên mấy ổng làm dữ lắm. Vả lại anh Năm Nhẫn gần về hưu rồi”.
Theo chân Phát (con trai lớn Tư “bầy hầy”), chúng tôi ra phía sau nhà xem bộ cột mà ông Nhẫn “tặng” gia đình này trước đó. Theo lời Phát thì những cây này phải có tuổi trên 30 năm, đủ điều kiện để làm cột nhà.