ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang là Trưởng Ban Chỉ đạo này.
Ban Chỉ đạo có 2 Phó Trưởng ban gồm: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến (Phó Trưởng ban Thường trực) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương.
Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015 bảo đảm hiệu quả.
Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Chương trình để triển khai thực hiện theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan huy động các nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình; tăng cường nghiên cứu khoa học và áp dụng thí điểm các giải pháp, công nghệ tiên tiến để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015 với mục tiêu phải khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.
Chương trình sẽ tiến hành cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra.
Đồng thời, phấn đấu triển khai thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai…