ThienNhien.Net – Tiền lẻ, mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng có tỷ lệ nhiễm khuẩn 100%, còn các tiền mệnh giá cao hơn thì tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp hơn một chút.
Về thông tin 100% tiền lẻ 2.000 đồng bị nhiễm khuẩn tiêu chảy làm nhiều người dân lo lắng, ngày 29.1, TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận: “Tiền nào cũng có nguy cơ lây bệnh cho người sử dụng”.
TS Trần Đáng nhận định, đã là tiền truyền tay từ người này qua người khác thì loại tiền nào cũng bẩn. Tuy nhiên, tiền lẻ (không cứ là tiền 2.000 đồng) có nguy cơ nhiễm bẩn cao hơn vì mức độ lưu thông lớn hơn. “Khi còn công tác ở Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chúng tôi đã lấy tiền lẻ của những người bán hàng ăn đường phố (2.000 đồng trở xuống), 30 mẫu tại Hà Nội và 30 mẫu tại T.P Hồ Chí Minh, để đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, xấp xỉ 100% số mẫu tiền này bị nhiễm khuẩn E.Coli” – ông Đáng cho biết.
Cụ thể, tiền lẻ, mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng có tỷ lệ nhiễm khuẩn 100%, còn các tiền mệnh giá cao hơn thì tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp hơn một chút. Theo ông Trần Đáng, đây là vi khuẩn đường ruột có trong phân, gây nguy cơ tiêu chảy, tả, lị, thương hàn rất cao. Khi tiền nhiễm khuẩn chuyển từ tay người bán sang tay người mua, đặc biệt nếu người bán hàng dùng tay nhiễm vi khuẩn E.Coli để bốc thức ăn thì khách hàng có nguy cơ bị tiêu chảy là rất lớn, thậm chí theo cấp số nhân.
Ngoài ra, vi khuẩn E.Coli cũng có trong các loài động vật, gia súc khác, vì thế, nếu người tiêu dùng ăn thịt sống, thịt chế biến chưa kỹ, nước bị ô nhiễm thì đều có khả năng lây sang người.
Theo các bác sĩ, người bị nhiễm E.Coli chỉ có các dấu hiệu ban đầu như đau bụng, nôn mửa, sau đó sẽ hết sau 3-4 ngày. Chính vì thế, sẽ không ai biết mình bị nhiễm vi khuẩn mà phòng ngừa nên cứ “hồn nhiên” đi vệ sinh không rửa tay và lây nhiễm “bắc cầu” qua nhiều người. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy nặng dẫn đến rối loạn máu, suy thận cấp và có khả năng tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch kém, người già và trẻ em.
Tuy nhiên, theo TS Đáng chỉ tuyên truyền người bán hàng cần dùng găng tay để chế biến thức ăn là chưa đủ. Vì nếu dùng găng mà cầm tiền thì cũng vẫn nhiễm vi khuẩn E.Coli như thường. Người mua cũng cần được tuyên truyền phải thường xuyên rửa tay, không dùng tay bốc thức ăn… Sống sạch, ăn uống sạch, ăn chín, uống sôi và bỏ thói quen ăn uống ngoài đường phố là cách bảo vệ mình khỏi “phân nhiễm khuẩn” từ tiền.