ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Đình Đồng ở thôn Nà Pẻn, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), đã chủ động tổ chức trồng rừng, làm giàu cho gia đình và góp phần mang lại màu xanh cho quê hương.
Từ bần nông thành tỷ phú
Ông Nguyễn Đình Đồng là cựu chiến binh, vốn là lính Trường Sơn, thuộc Đoàn 559, quê ở Nam Đàn, Nghệ An. Ông lấy vợ là một y sĩ người Tày, tên Hà Thị Vinh, cũng là chiến sỹ Trường Sơn. Quê ông nghèo, quê bà cũng khó, nhưng ông quyết tâm lập nghiệp tại quê vợ. Những ngày đầu hai vợ chồng từ chiến trường trở về, lên núi lập nghiệp với hai ba lô con cóc, mấy bộ quần áo bộ đội là tài sản duy nhất của hai vợ chồng trẻ. Ông Đồng kể lại câu chuyện khởi nghiệp của gia đình với câu cửa miệng “cực lắm ông ạ”.
Gia đình ông không có đất ruộng vì đất ruộng ở vùng núi rất ít, các hộ dân đã chia nhau hết rồi, cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng. Khi có con, cuộc sống của vợ chồng ông càng vất vả hơn. Nhà cửa không có, ông bà ngày đêm đào đất như kiểu đào hầm trong chiến trường, rồi lấy gỗ làm cột chống, làm kèo gác lên thành đất, mái được lợp bằng lá kiếm trong rừng, vách núi chính là tường nhà, cuộc sống từ đó đi lên. Ngoài việc khai hoang, phục hóa lấy đất sản xuất, hai vợ chồng ông gần như ngày nào cũng lên rừng để kiếm củi, kiếm măng.
Khi Nhà nước có chính sách giao đất cho dân trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế, ông là người đầu tiên dám nhận đất. Là trưởng thôn, ông cùng cán bộ xã đi vận động bà con nhận đất, nhưng người dân ở đây vẫn thờ ơ, có nhiều người sợ không có tiền trả thuế đất nên không nhận.
Có đất, ông cùng vợ con tiến hành trồng rừng, khi đó chủ yếu trồng cây mỡ và keo lá chàm. Do làm đúng kỹ thuật và chú ý chăm sóc, phát cỏ nên rừng của gia đình ông, tỷ lệ cây sống rất cao, đều tăm tắp. Ông Đồng nói: “Trồng rừng mà không đúng kỹ thuật từ cuốc hố, bón phân, khoảng cách giữa các cây thì tỉ lệ sống ít. Mình vừa làm vừa hướng dẫn người dân trong thôn, trong xã thực hiện nhưng nhiều gia đình ở đây chủ yếu chỉ trồng để lấy tiền hỗ trợ, còn cây sống chết họ không quan tâm. Nay nhìn những cánh rừng của gia đình ông nhiều cây, sinh khối lớn họ mới thấy tiếc”.
Đi thăm những cánh rừng của gia đình ông Đồng mới thấy công sức và ý chí của gia đình cựu chiến binh này. Đất rừng ở đây chủ yếu là núi, việc trồng rừng không hề đơn giản do độ dốc lớn, cây tạp nhiều, muốn có đất để trồng được rừng phải phát, đốt thực bì, rồi cuốc hố, bón phân, hằng ngày đều phải đi phát cỏ, phát cây dại cho cây trồng phát triển.
Chủ tịch UBND xã Thanh Mai Dương Văn Đắc cho biết: Từ một gia đình được coi là “nghèo nhất xã”, nay gia đình ông Đồng đã có nhà cửa khang trang, con cái lấy vợ, lấy chồng đều có nhà cao để ở.
Làm đường vào rừng
Ông Nguyễn Đình Đồng tâm sự: “Cứ nằm chờ” nhà nước làm đường cho mình thì lâu lắm. Nhà nước chỉ làm cho mình những trục đường chính thôi, còn đường vào rừng, mình phải chủ động mới có đường để khai thác gỗ, mới giàu được. Nói là làm, ông đã thuê máy ủi, làm luôn hai con đường cho ô tô đi vào những cánh rừng của gia đình, với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Có đường vào rừng, ông không phải thuê người vận chuyển gỗ từ trong rừng ra đường lớn; khi khai thác chỉ việc cưa gỗ đúng tiêu chuẩn là lao luôn xuống đường.
Theo tính toán của ông, nếu một khối gỗ thuê vác ra đường lớn phải mất trên 500.000 đồng, một ha rừng của ông có khoảng 100 -150 m3 gỗ, nếu không có đường, công trồng rừng 10 năm, 20 năm của ông chỉ đủ chi cho khai thác vận chuyển. Vì vậy, ông đã đầu tư làm đường, coi như mất 1 ha rừng cho khâu vận chuyển. Từ đất, từ rừng ông đã làm được cho con cái nhà cửa đàng hoàng, cậu con cả còn làm được nhà hai tầng, tiện nghi đầy đủ như nhà thành phố. Ba con trai khác đều có nhà được dựng kiên cố từ gỗ rừng gia đình trồng những năm trước đây.
Ông Đồng nói: Nếu không có chính sách đúng của Nhà nước, không được ông chủ tịch xã khi đó động viên, chắc tôi cũng không có được những cánh rừng như bây giờ. Gia đình tôi có được mọi thứ là nhờ rừng.