ThienNhien.Net – Do khoản ký quỹ để hoàn thổ quá thấp nên các doanh nghiệp “tháo chạy” để hàng trăm hecta đất ở Bình Thuận bị bỏ hoang.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát các khu vực mỏ khai thác khoáng sản như cát, đất sét… đã kết thúc khai thác nhưng chưa hoàn phục môi trường. Tỉnh cũng yêu cầu phải khắc phục ngay việc quản lý quá lỏng lẻo trong lĩnh vực này.
Trong công văn, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng chi tiết phương án phục hồi môi trường, dự toán kinh phí, đề xuất nguồn kinh phí thực hiện…
Cả trăm hecta chỉ ký quỹ 1,6 tỉ đồng
Theo một nguồn tin, kết quả rà soát mới nhất của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, phát hiện có đến 252 mỏ khoáng sản đã hết giấy phép khai thác từ nhiều năm qua nhưng các chủ hầm mỏ nói trên đã “tháo chạy”, không hoàn thổ như đã cam kết. Trong số này, nhiều hầm mỏ đã kết thúc khai thác từ những năm 2002-2003 giờ chỉ là những khu đất bỏ hoang vì các hầm mỏ này tạo thành những khu dở ao dở hồ gây lãng phí về đất đai, tài nguyên.
Được biết để được cấp phép khai khoáng, các doanh nghiệp (DN) đều phải nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định. Thế nhưng nhìn vào danh sách nộp tiền ký quỹ của các DN đã “tháo chạy”, nhiều người phì cười vì số tiền họ nộp vào quá thấp. Có doanh nghiệp khai thác trên diện tích gần 1 ha mỏ chỉ đóng có 800.000 đồng! Chủ khai thác mỏ cát ở huyện Hàm Tân ký quỹ phục hồi môi trường chỉ có đúng 311.000 đồng!
Theo Ngân hàng Công Thương – Chi nhánh Bình Thuận, toàn bộ số tiền mà 252 công ty, DN đã ký quỹ tính đến tháng 1/2013 chỉ có hơn 1,6 tỉ đồng trong khi chi phí cho việc hoàn phục môi trường lớn hơn hàng chục lần!
Giám đốc một công ty chuyên về san lấp mặt bằng và trồng rừng cho biết để hoàn phục môi trường, trồng rừng trên số diện tích mà 252 chủ mỏ đã “tháo chạy”, chắc chắn phải tốn ngân sách nhiều tỉ đồng.
Hoàn phục chiếu lệ
Ngoài việc “tháo chạy”, bỏ mặc hậu quả, nhiều chủ hầm mỏ đã hoàn phục môi trường theo kiểu chiếu lệ.
Một trong những hầm mỏ hoàn phục kiểu này là dự án 7 ha khai thác cát bồi ở khu vực cạnh nghĩa trang Gò Bồi, xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam). Sau khi có giấy phép, DN đã nhượng quyền khai thác cho người khác. Sau đó, người này khai thác vượt độ sâu cho phép cả chục mét. Năm 2009, kết thúc khai thác thì người này “tháo chạy”, bỏ lại hiện trường hầm hố nham nhở cho người dân gánh chịu. Khi chúng tôi phản ánh thực trạng này, họ không san ủi mà cho người đào lỗ trồng cây bạch đàn xem như đã… hoàn phục môi trường như cam kết!
Tuy nhiên, đó cũng là trường hợp hiếm hoi chịu hoàn phục môi trường còn với số đông của 252 DN đã “tháo chạy”, có công ty đã lập thủ tục phá sản, giải thể nên tỉnh không biết níu áo ai.
Với khoản ký quỹ ít ỏi cộng với việc quản lý lỏng lẻo, tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN&MT rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục thực trạng này trong thời gian tới!
Ngày 29/1, ông Lê Văn Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường tỉnh Bình Thuận, thừa nhận trước năm 2009, do chưa có hướng dẫn nên tiền ký quỹ hoàn phục môi trường rất thấp nên sau khi khai thác xong, các chủ mỏ tính toán nếu hoàn phục môi trường sẽ bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần số tiền đã ký quỹ nên mới có tình trạng hàng trăm chủ mỏ “tháo chạy”.
“Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát lại các hầm mỏ để tính toán lại và yêu cầu các chủ mỏ ký quỹ hợp lý hơn” – ông Tiến nói.