ThienNhien.Net – Trồng rừng và bảo vệ rừng là chương trình lớn của Đảng, Chính phủ nhằm phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để trồng được một cánh rừng thì các địa phương phải trả công và giữ quyền lợi cho người trồng. Còn ở Bến Tre, nhiều người cao tuổi trồng rừng không đòi hỏi quyền lợi mà còn xem rừng là lá phổi xanh của mình.
Chinh phục bãi bồi
Thoạt nghe khó mà tin nhưng đó là chuyện có thật ở cánh rừng dương, ấp Thừa Trung, xã Thừa Đức, Bình Đại (Bến Tre). Ông Phạm Công Suất (73 tuổi), nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức là người đầu tiên đi khảo sát nơi đầu sóng ngọn gió ở khu vực bãi biển Cồn Tàu để trồng rừng chắn gió.
Ông Suất kể: “Lá phổi xanh chắn gió ở xã Thừa Đức bám được rễ bãi bồi Cồn Tàu được như hiện tại là nhờ “ngòi pháo” của tôi cùng ông Ba Hiệp, ông Sáu Nhân. Chúng tôi đi khảo sát nhiều nơi, nhưng chỉ ưng ý địa điểm bãi bồi cửa biển Cồn Tàu. Thế là tháng 6/2005 cây dương bắt đầu được trồng ở đây”.
Ngày đó, vốn trồng rừng do Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bến Tre “rót” về 4,5 triệu đồng để mua 3.000 cây dương. Khi có nguồn giống cây, ông Suất quy động Hội Người cao tuổi xã và đoàn thể đi trồng rừng với tinh thần tình nguyện. Lúc đó mọi người chỉ nghĩ đơn giản là: Trồng rừng dương để chắn sóng to gió lớn, bảo vệ đất liền chứ đâu biết gì về việc trồng rừng là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ việc Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức trồng rừng dương thành công, Ban Quản lý dự án trồng rừng tỉnh Bến Tre đã đầu tư trồng tiếp phần diện tích bờ biển chưa có cây dương chắn gió, chắn sóng.
Từ năm 2005 đến nay, đất bãi bồi bờ biển Cồn Tàu do Ban quản lý dự án trồng rừng của tỉnh quản lý, còn khoảng 3.000 cây dương 7 năm tuổi do Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức trồng và bảo vệ. Khu vực rừng trồng được các hội viên thay phiên nhau bảo vệ. Từ đó đến nay rừng dương này một ngày một lớn, không bị người dân chặt phá.
Bà Nguyễn Ngọc Dự, ấp Thừa Trung là một trong những hội viên tham gia trồng và bảo vệ rừng trong 7 năm qua chia sẻ: “Ngày trước, Hội Người cao tuổi vận động đi trồng rừng thì bản thân chỉ nghĩ đơn thuần là đi làm công tác xã hội, không bao giờ nghĩ đến quyền lợi.
7 năm đã qua, nhìn cánh rừng dương lớn lên theo năm tháng, chắn được gió, sóng biển, bờ biển đã xanh càng thêm xanh nhờ bàn tay mình trồng cây gây rừng. Bây giờ Nhà nước tiếp tục giao thêm đất trồng và bảo vệ rừng, có cực đến mấy hội viên chúng tôi vẫn tham gia hăng hái”.
Tuổi cổ lai hy bảo vệ rừng
Nhà bà Dự chỉ cách cánh rừng dương hơn 1 km, ngày nào bà cũng mấy lượt chạy xe vào rừng để canh lửa, canh người vào chặt phá. Bà bảo đã có trách nhiệm trồng thì phải giữ. Cánh rừng dương 1,7 ha này đã nức tiếng cả nước, được Bộ NN&PTNT và Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi VN trao tặng bằng khen.
Ông Suất xen chuyện: “Lúc mới bắt tay vào trồng, khu vực bãi bồi bờ biển Cồn Tàu cỏ mọc um tùm như đám rừng hoang, sau khi trồng thì năm 2007 bị cơn bão số 9 làm ngã rạp sát đất. Chúng tôi bảo bà con trong hội đi đỡ từ cây để trồng lại. Dần dần cây dương phục hồi, rễ càng bám càng sâu, cây càng xanh cành lớn là niềm hạnh phúc của những người cao tuổi tham gia trồng và bảo vệ rừng”.
Bà Bùi Thị Hồng Sương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức cho biết: “Đến thời điểm này hội chúng tôi đã có 986 ha tham gia sinh hoạt tại 5 chi hội. Số lượng hội viên sẽ tiếp tăng theo năm tháng. Bây giờ Hội Người cao tuổi của xã không chỉ có người trên 60 tuổi mà kể cả người trẻ cũng tham gia. Cái nghĩa lớn nhất của bà con tham gia sinh hoạt hội là cùng trồng cây để “nhớ ơn Bác Hồ”. Cùng nhau quản lý, canh lửa, bảo vệ 1,7 ha rừng dương để bảo vệ lá phổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bờ biển Cồn Tàu hôm nay được phủ xanh, không bị biển xâm thực, hình thành nên khu du lịch sinh thái biển Phù Sa có sự đóng góp công sức rất lớn của Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức. Từ mảnh đất rừng hoang, các hội viên đã ra tay dọn cây dại để trồng dương, phát động sôi nổi phong trào trồng cây đời đời nhớ ơn Bác, góp phần thành công trong việc trồng mới 5 triệu ha rừng trong cả nước. Trong tương lai không xa, rừng dương Cồn Tàu sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho du khách.
Ngoài ra, hằng năm mỗi hội viên còn đóng góp 12.000 đồng để làm quỹ hội làm từ thiện khi hội viên qua đời và góp 50.000 đồng vào nguồn vốn tương trợ giúp đỡ nhau sản xuất, mua bán nhỏ theo vòng… Đặc biệt, nguồn quỹ của hội được hội viên rất tôn trọng, mượn đến hạn là tự động trả. Hiện tại, nguồn quỹ hội viên đóng góp là hơn 102 triệu đồng. Tuy nhiên còn nguồn kinh tế mà chúng tôi chưa được Ban Quản lý rừng của tỉnh cho phép khai thác là rất lớn”.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức nói: “Toàn xã có 119 ha rừng các loại, trong đó rừng dương do Hội Người cao tuổi trồng và bảo vệ 1,7 ha. Rừng dương do Hội Người cao tuổi trồng và bảo vệ, đất bãi bồi bờ biển do Ban Quản lý dự án rừng Bến Tre quản lý.
Mấy năm qua, Hội Người cao tuổi muốn khai thác kinh tế dưới tán rừng dương bằng hình thức cho người dân thuê để bán hàng quán phục vụ khách du lịch nhưng lại không được Ban Quản lý cho phép rất uổng.
Nếu được cho phép khai thác, hội có thêm nguồn thu để góp vào nguồn quỹ, giúp được nhiều hội viên nghèo có vốn sản xuất để thoát nghèo. Hiện tại, dưới tán rừng dương 7 năm tuổi do hội trồng và quản lý đang có một số hội viên vào cất lều buôn bán nước phục vụ khác du lịch theo kiểu tự phát nhưng rất hiệu quả”.