ThienNhien.Net – Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, chiều 29/1, các thành viên Chính phủ đã thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, cùng với trọng tâm phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường và đã đạt được những chuyển biến tích cực.
Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã từng bước được hoàn thiện; nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân được nâng lên; nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm và phục hồi, cải thiện môi trường có nhiều chuyển biến.
Các chỉ tiêu về môi trường được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm. Lần đầu tiên, Quốc hội đã phê duyệt chương trình Mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môn trường giai đoạn 2012 – 2015.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định 6 nhóm môi trường cấp bách để tập trung xử lý.
Thứ nhất, sự phát triển các khu, cụm công nghiệp không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường, dẫn đến nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tính đến tháng 9/2012, cả nước có 283 khu công nghiệp, khu chế xuất, 878 cụm công nghiệp, trong đó có 614 cụm đang hoạt động. Tỉ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 66%.
Vấn đề môi trường cấp bách thứ hai là tình trạng thiếu quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, làm tăng thêm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2007 đến tháng 7/2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 4142 vụ, riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.
Một vấn đề nóng về môi trường cũng được đặt ra trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ là chất thải rắn, chất thải y tế không được thu gom và xử lý triệt để; nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý; khí thải, bui phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, cơ sở sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các thành phố lớn, lưu vực sông.
Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bó hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý và khắc phục.
Vấn đề môi trường thứ năm cần tập trung xử lý là tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp.
Cuối cùng, Dự thảo đặt ra vấn đề đa dạng sinh học bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng. Các loài, nguồn gen ngày càng giảm sút và thất thoái, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vấn tiếp tục gia tăng.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về nội dung xây dựng “Đề án tăng cường năng lực đội ngũ, cán bộ quản lý môi trường các cấp, tập trung vào cấp quận/ huyện, phường/xã; việc bố trí ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường; phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục 6 vấn đề môi trường cấp bách nêu trên.
Theo Dự thảo, mỗi năm Nhà nước bố trí ít nhất 1% tổng chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thành lập hệ thống ngành dọc về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương sẽ thực hiện theo hướng kiêm nhiệm, tăng chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ là cần thiết nhằm tập trung nguồn lực trong bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cho rằng xuất phát từ việc xác định 6 nhóm vấn đề cấp bách nói trên thì điều cần thiết là chúng ta phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể trong xử lý. Chẳng hạn, có thể kiên quyết dừng hoạt động các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để xảy ra ô nhiễm môi trường; các đô thị lớn nhất thiết phải xử lý triệt để lượng nước thải, chất thải rắn, chất thải y tế; các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vấn đề ô nhiễm ở lưu vực sông, đặc biệt là tình trạng xả thải, quy hoạch thủy điện không phù hợp, khai thác cát, tài nguyên trên sông…
Thủ tướng đề nghị không nên thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành mà thay vào đó cần tăng cường phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong lĩnh vực môi trường; không nên thiết lập hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương về bảo vệ môi trường, thay vào đó nên có đề án quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ sẽ được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới.