ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ráo riết chuẩn bị hàng loạt quy định pháp lý để đưa sản xuất lúa gạo theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” – CĐML.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đại diện soạn thảo và chấp bút cho dự thảo quy chế hỗ trợ, mục tiêu đưa sản xuất lúa gạo trở thành ngành sản xuất quy mô lớn theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”.
Ông Hòa cho TBKTSG Online hay sau khi lấy ý kiến đóng góp ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, hiện nay ban soạn thảo đang tổ chức lấy ý kiến ở khu vực miền Bắc. “Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để có tờ trình lên Thủ tướng sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán”, ông nói.
Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn trong hội nghị Tổng kết mô hình CĐML tổ chức tuần qua ở tỉnh Kiên Giang, bộ đã có hàng loạt kiến nghị thay đổi, bổ sung nhiều quy định hiện hành. Mục tiêu của các kiến nghị để “siết”, thay vì chỉ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mua bán với nông dân như 2 năm nay bộ vẫn làm.
Đáng chú ý nhất là việc bộ đề nghị Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ-CP theo hướng bổ sung điều kiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tham gia vào sản xuất – tiêu thụ theo phương thức CĐML; bắt buộc doanh nghiệp phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu theo lộ trình năm 2013 ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu, năm 2014 là 30%, năm 2015 là 50% và đến năm 2020 là 80%.
Bên cạnh đó, bộ cũng đề nghị Nghiên cứu ban hành Nghị định về quản lý thương lái thu mua nông sản theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, đưa Thương lái vào diện đối tượng quản lý của Chính phủ. Vì qua nhiều ý kiến, lực lượng này là trung gian ép giá thu mua lúa của nông dân.
Địa phương ngại tính khả thi
Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo dự thảo quy chế hỗ trợ, mục tiêu đưa sản xuất lúa gạo trở thành ngành sản xuất quy mô lớn theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML), ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng kể ở tỉnh thời gian qua cũng đã có nhiều hình thức doanh nghiệp liên kết với nông dân, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.
“Gạo sản xuất theo hình thức liên kết đó rõ ràng mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân và doanh nghiệp”, ông Cua nói. Mô hình CĐML tỉnh đang thực hiện có tổng diện tích trên một vạn hec ta, nhưng qua khảo sát của sở thì chỉ có 20% trong số đó có sự liên kết giữa các “nhà”: nhà nông dân, nhà máy, nhà nước, nhà khoa học.
Tuy nhiên, hình thức hợp tác kể trên phần đông mang tính tự phát, lẻ mẻ. Chưa kể, nhiều tranh chấp giữa doanh nghiệp và nông dân đã xảy ra chung quanh hợp đồng bao tiêu đến nay chưa có hướng giải quyết đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến liên kết này. Doanh nghiệp và nông dân không tin tưởng lẫn nhau.
Điều mà ông Cua lo ngại chính là tính khả thi của chính sách sẽ đi theo “vết xe đổ” của nhiều chính sách trước. Vì theo ông, trong ít năm trở lại, Bộ Nông nghiệp ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, phần đông trong số đó chỉ khả thi “trên giấy” vì địa phương không thực hiện được, ví dụ như chính sách hỗ trợ sau thu hoạch. Để hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp, vốn rất được ưa chuộng, tỉnh Sóc Trăng phải trích từ ngân sách tỉnh. Chi phí để nghiên cứu, ứng dụng mô hình CĐML tỉnh cũng phải bỏ tiền ra.
Tương tự, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, nơi có diện tích CĐML trên 1.500 hec ta với sự tham gia của hơn 1.500 hộ nông dân cho rằng cơ chế hỗ trợ cần phải giải quyết được cái gốc của vấn đề là mối quan hệ, chủ yếu là cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất lúa gạo.
Giám đốc một sở nông nghiệp nhận định việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển ngành sản xuất lúa gạo theo mô hình CĐML của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang có nhiều điều cần phải suy xét.
Vì cho đến nay, rất nhiều mô hình do doanh nghiệp tổ chức thực hiện đã phá sản; liên kết bằng hợp đồng văn bản hay “miệng” giữa doanh nghiệp và nông dân dễ dàng bị bẻ gãy mỗi khi có biến động về giá; mâu thuẫn giữa 2 bên vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa vì bên này vẫn cho rằng bị bên kia chèn ép.
“Có khả năng tài chính vững vàng như công ty Bảo vệ thực vật An Giang mà vẫn phải thừa nhận mô hình CĐML của họ sau 3 năm mới có lãi thì doanh nghiệp nào dám đầu tư mạnh vào để rồi chôn vốn ở đó?”, ông nói.
Một số hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp: (i) Doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Trung tâm giống của tỉnh, Cty CP phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV phân bón và hóa chất dầu khí Tây Nam bộ, Công ty hóa nông Hợp Trí). (ii) Doanh nghiệp cung ứng một phần vật tư đầu vào và thu mua lúa (công ty CP GenTraco, công ty Angimex-Kitoku, công ty XNK Angimex, công ty Trung An, công ty Lương thực Long An, công ty CP lương thực Hậu Giang, công ty Lương thực Đồng Tháp). (iii) Doanh nghiệp hợp tác với nông dân khép kín từ đầu vào đến đầu ra (công ty GenTraco; công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, công ty Trung An). Phổ biến nhất là hình thức (i): doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tư vấn cho nông dân sử dụng vật tư, quy trình kỹ thuật. |