ThienNhien.Net – Bình Thuận được xem là địa phương có nguồn sa khoáng titan lớn với trữ lượng ước khoảng 520 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện có hàng trăm dự án du lịch, điện gió tại tỉnh này đang rơi vào cảnh “đóng băng” bởi bên dưới là titan đang chờ được khai thác.
Cách đây 5 năm, vào tháng 5-2008, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã từng có bài phản ánh về vấn đề sau khi phát hiện trữ lượng titan lên đến hàng trăm triệu tấn, chính quyền tỉnh Bình Thuận đứng trước sự chọn lựa khó khăn: tiếp tục phát triển du lịch với các khu nghỉ dưỡng cao cấp hay chuyển sang các dự án khai thác khoáng sản.
Và đến này dường như chính quyền tỉnh Bình Thuận vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để hóa giải những khó khăn này.
Trong lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cho biết sẽ báo cáo với Bộ Chính trị về việc hiện nhiều dự án du lịch, điện gió trên địa bàn tỉnh đang bị “đóng băng”, không triển khai được vì còn chờ Chính phủ công bố quy hoạch phân vùng khai thác titan.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết Dự thảo quy hoạch phân vùng khai thác titan tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Công Thương hội thảo lấy ý kiến, trình nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
“Bình Thuận đã khoanh vùng 1.250 km2 có trữ lượng titan, trong đó 700 km2 là khu vực có thể khai thác qui mô công nghiệp. Với diện tích này thì đã chồng lên nhiều dự án khác, Bình Thuận có hơn 100 dự án du lịch và khoảng 12 dự án điện gió đã được cấp phép đầu tư nhưng bên dưới là titan nên bị “đóng băng”, chưa làm gì được”, ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng thì cái khó của tỉnh hiện nay chính là các dự án resort đã có trước, còn titan mới được thăm dò sau này. Theo Luật Tài nguyên khoáng sản thì khi có khoáng sản dưới lòng đất thì chỉ được xây dựng vật kiến trúc sau khi khai thác hết khoáng sản.
Tỉnh đã đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt và công bố quy hoạch khai thác titan và phân giai đoạn khai thác titan trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nếu khu vực nào để đến 50 hay 100 năm sau mới khai thác titan thì tạm thời cho triển khai dự án du lịch, điện gió.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa công bố quy hoạch phân vùng khai thác sa khoáng titan. Do vậy dự án nào đã được cấp phép chuẩn bị đầu tư thì nay tỉnh đã thông báo cho họ dừng lại, chờ công bố quy hoạch khai thác titan. Còn những dự án chủ đầu tư đã bỏ tiền xây dựng thì tỉnh tiếp tục cho hoạt động bình thường, chờ sau khi công bố quy hoạch titan rồi mới tính tiếp.
Ông Hùng phân tích với trữ lượng titan tại Bình Thuận ước khoảng 520 triệu tấn, trong khi trên thế giới sử dụng khoảng 17 triệu tấn titan mỗi năm, nếu Việt Nam chen chân vào được thị trường thế giới cũng cung cấp trên dưới 1 triệu tấn/năm.
Như vậy, về lâu dài cần thiết nên phân vùng lại khu vực nào cần khai thác ngay, khu nào cần để lại 50 – 70 năm sau mới khai thác, và công bố rộng rãi để trên cơ sở đó, các nhà đầu tư dự án khác sẽ đưa ra quyết định cần phải đầu tư loại hình nào cho phù hợp trong thời gian chờ khai thác titan, ông Hùng phân tích.