ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng có diện tích hơn 9.000 ha, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh, là một trong những cánh rừng phòng hộ quý giá trong việc bảo vệ nguồn nước cho sông Krông H’năng. Nhưng thời gian qua, lâm tặc ồ ạt kéo vào đây để đốn hạ những cây gỗ quý cuối cùng còn lại của cánh rừng này.
Trâu chở gỗ quý
Bỏ xe máy lại bìa rừng, chúng tôi lội bộ vào tiểu khu 315A của rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (thuộc địa phận xã Ea Tam, huyện Krông Năng). Giữa con đường mòn vào rừng vẫn còn in hằn chi chít dấu chân trâu và dấu vết những thanh gỗ đè lên bùn đất.
Từ chân núi đi lên khoảng 1km, hai bên con đường rừng vẫn xanh tốt với nhiều cây gỗ lớn một người ôm không xuể. Nhưng đi thêm khoảng 500m nữa, bắt đầu đã nghe tiếng cưa xẻ gỗ. Chúng tôi tiến về phía tiếng cưa máy, phát hiện bãi gỗ lâm tặc đang cưa dở.
Tại hiện trường có một cây gỗ lớn với đường kính gốc khoảng 1 m vừa mới bị đốn hạ, mùn cưa vẫn còn mới. Lâm tặc xẻ cây gỗ thành từng hộp, phách và bỏ lại 2 phách gỗ lớn để làm phản (hay còn gọi là bộ ngựa) dài hơn 3m. Theo người dân địa phương đi cùng, đây là gỗ dổi và 2 phách gỗ này đem ra bán tại thị trường có thể lên tới 30-40 triệu đồng.
Đi tiếp khoảng 50m, chúng tôi gặp ngay hai cây gỗ dổi cao khoảng 7m bị đốn hạ nằm giữa đường mòn và lá vẫn còn xanh. Trên đó một đoạn, có 3 cây gỗ dổi cao khoảng 10m cũng bị lâm tặc mới đốn hạ, xẻ thành từng hộp. Cạnh đó, cây bạch tùng cao khoảng 15m cũng bị chặt hạ. Lâm tặc ngang nhiên cưa xẻ gỗ thành từng hộp, từng phách để sau đó buộc trâu chở về.
Cách bãi gỗ này khoảng 10m, chúng tôi phát hiện thêm một bãi gỗ, có 7 cây với đường kính khoảng 50cm vừa bị đốn hạ, được cưa xẻ nằm la liệt dưới đất. Lâm tặc đã lấy đi phần nạc và bỏ lại những tấm bìa. Gần đó 1 cây gỗ dổi cao khoảng 15m bị cắt dở ở gốc để chờ gió lay đổ.
Trong bán kính khoảng 500m, chúng tôi đi theo con đường rừng lâm tặc mới mở và đếm được khoảng 30 cây gỗ bị đốn hạ. Người dân địa phương đi cùng cho biết, nếu đi tiếp sẽ còn nhiều cây bị chặt hạ như thế.
Sau hai tiếng lặn lội trong rừng, chúng tôi trở ra và gặp 3 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đi cắm biển báo phòng chống cháy rừng. Thế nhưng, chẳng thấy họ hỏi han gì cả dù biết chúng tôi từ rừng phòng hộ vừa ra. Có lẽ chuyện người dân đi vào đây đã quá đỗi quen thuộc với họ?!
Qua “chốn không người”
Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng nằm trải dài trên địa bàn 4 xã Ea Dah, Ea Puk, Ea Tam và Cư Klông của huyện Krông Năng. Những cánh rừng này cũng là lá chắn để ngăn chặn lâm tặc xâm nhập ở phía Tây Bắc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar).
Gần đây, gỗ “đổi màu” ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô được dân chơi ưa chuộng và mỗi mét khối gỗ có thể bán tới 40 triệu đồng. Vì thế, người dân huyện Krông Năng đổ xô vào đây săn lùng gỗ “đổi màu” về bán.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, cho biết, mấy tháng qua, lực lượng kiểm lâm huyện đã bắt 27 vụ vận chuyển gỗ “đổi màu” từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với tang vật 7m3 gỗ và 38 xe máy.
Trong lúc đó, lực lượng 12 cán bộ bảo vệ rừng của trạm 1, 2 và 3 Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng lại chỉ bắt được có 4 vụ vận chuyển gỗ “đổi màu” đi qua địa phận của mình.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, việc lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng và tự do vận chuyển gỗ qua rừng phòng hộ là do các trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng hoạt động kém hiệu quả. Có những trạm mấy năm liền không phát hiện, lập biên bản một vụ vi phạm nào trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp.
Báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cũng cho thấy, trong năm 2012, lực lượng cán bộ bảo vệ rừng của Ban cũng chỉ bắt được 11 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản với tang vật gần 4m3 gỗ.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cho rằng, hiện nay chế độ cho cán bộ Ban còn thấp nên anh em chưa “mặn mà lắm” với công tác bảo vệ rừng.
“Cũng làm việc vất vả như cán bộ kiểm lâm trong vùng, nhưng lương anh em của ban bình quân chỉ có khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong lúc đó, anh em lại không được trang bị công cụ hỗ trợ bảo vệ rừng nên khi lâm tặc chống trả quyết liệt thì rất khó bắt giữ chúng. Vì thế, nếu được sát nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để anh em trong Ban được chế độ như kiểm lâm thì chúng tôi rất vui”, ông Tùng cho hay.
Thiếu chế độ cho cán bộ bảo vệ rừng
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Tuy nhiên Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng và Buôn Đôn chưa đủ tiêu chí để thành lập hạt kiểm lâm thuộc Ban nên cán bộ ở đây chưa được hưởng chính sách ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề theo Quyết định số 132/TTg ngày 31-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ như kiểm lâm. Vì vậy, mặc dù công việc của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng cũng tương tự như các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khác nhưng lại không được hưởng chế độ ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề.