ThienNhien.Net – Dân cư ngày càng đông, lượng xe cá nhân tăng nhanh, đường sá nhỏ hẹp, hạ tầng giao thông TP HCM còn nhiều bất cập. Vậy lời giải nào cho bài toán hạn chế xe cá nhân, giảm kẹt xe và lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường?
Hiện tại ở TP HCM, phương tiện vận chuyển hành khách công cộng chủ yếu là xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel, xăng chiếm số lượng rất lớn. Theo số liệu thống kê năm 2011, TP HCM có gần 3 nghìn xe buýt. Lượng khách tham gia đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động phổ thông… còn công nhân viên chức vẫn trung thành với xe cá nhân.
Lượng xe máy, ôtô gia tăng rất nhanh nhưng diện tích đường thì không mở rộng nên gây ra tình trạng tắt đường giờ cao điểm và những cung đường nhỏ. Trong những cuộc thảo luận của lãnh đạo thành phố, vẫn đề tài cũ là xoay quanh vấn đề “làm thế nào để hạn chế xe cá nhân?” Trong khi các phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) không phát triển.
Trong báo cáo nghiệm thu giai đoạn 1 của Trung tâm môi trường và phát triển giao thông vận tải thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết đang nghiên cứu khả năng ứng dụng xe buýt chạy bằng điện (Trolleybus) tại TP HCM. Nhóm nghiên cứu đưa ra luận cứ cho rằng, giai đoạn 2005 – 2010, tại TP HCM, lượng xe gắn máy tăng bình quân 11,32%/năm và ôtô là 10,84%/năm. Mặc dù những năm qua, thành phố đã cải thiện và nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng phương tiện VTHKCC nhưng con số đó mới chỉ đạt khoảng 5% là quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Tiến sĩ Trịnh Văn Chính – Chủ nhiệm dự án cho biết: hiện nay, trên thế giới có khoảng 315 hệ thống Trolleybus đang hoạt động tại các thành phố và thị trấn của 45 quốc gia. Những năm qua, xe buýt điện được nhiều quốc gia xem là hệ thống ban đầu thích hợp, mà sau này có thể nâng cấp thành đường sắt đô thị, khi nhu cầu đi lại tăng cao.
Theo tiến sĩ Trịnh Văn Chính, xe buýt điện có tỉ lệ công suất/trọng lượng gấp 2 lần so với xe dùng nhiên liệu diesel tương ứng, cho phép duy trì gia tốc dễ chịu. Thiết bị điện trolleybus hiện đại được dựa trên công nghệ động cơ AC (động cơ điện được điều khiển bởi dòng điện xoay chiều). Độ tin cậy cao và tuổi thọ dài, bảo trì rất ít so với động cơ và bộ truyền động diesel. Điển hình ở Pháp đã phát triển công nghệ trolleybus thành xe điện trên bánh lốp, các trolleybus mới có bánh cao su hoặc xe điện diesel đang đi vào phục vụ trong VTHKCC.
Tiến sĩ cho biết thêm, Trolleybus sử dụng động cơ điện nên không gây ra sự phát thải chất gây ô nhiễm như các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel. Lượng phát thải chất ô nhiễm NOx (chất ô nhiễm chính của xe buýt diesel) tính cho trung bình 26 xe sẽ giảm khoảng hơn một nửa trong hành trình so với xe buýt chạy diesel.
“Có thể áp dụng Trolleybus tại TP HCM, dựa trên các yếu tố về lượng hành khách, quy hoạch phát triển các hành lang giao thông chính, các điều kiện mạng lưới điện, mặt cắt ngang quy hoạch giao thông, sự hưởng ứng của người dân, mức vốn đầu tư không quá lớn…” – tiến sĩ Trịnh Văn Chính cho biết.
Tuyến áp dụng trước là An Sương – Củ Chi sau đó phát triển trolleybus trên 1 số tuyến trục vùng ven như: An Sương – Nguyễn Văn Linh, An Sương –Trạm Hai, An Lạc – Nguyễn Văn Linh, An Lạc – Bến Lức… còn trên các tuyến đường phố khu vực trung tâm: loại hình hybrid trolleybus (đang sử dụng ở Nhật Bản), hoặc Dual-mod Trolleybus (Hoa Kỳ), Supper capacitor (Hong Kong)… là phù hợp nhất.
Tiến sĩ Trịnh Văn Chính khẳng định: “Việc phát triển trolleybus tại TP HCM là phù hợp với chiến lược Quốc gia về hiện đại hoá giao thông và phát triển bền vững giao thông vận tải tương lai, phù hợp với yêu cầu của lộ trình giảm phát thải ô nhiễm quốc gia”. Lợi thế của trolleybus được nhóm nghiên cứu chỉ ra như: sức chở lớn (120 chỗ); khả năng tăng và giảm tốc nhanh (ngay cả tại những nơi có địa hình dốc) của động cơ điện so với động cơ đốt trong; Trolleybus thân thiện với môi trường, khác với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, diesel) hoặc hydrocarbon (rượu, dầu thực vật). Mặt khác, xe buýt điện gần như không có tiếng ồn và có tuổi thọ lâu bền hơn xe buýt chạy bằng động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, sử dụng trolleybus cũng gặp phải không ít “rào cản”, đó là những khó khăn từ việc thay đổi quy hoạch đô thị; xe chạy chậm khi quay và đi qua thiết bị chuyển mạch của hệ thống đường dây trên cao. Thực tế nhiều hệ thống trolleybus của không ít quốc gia trên thế giới đã bị chỉ trích vì đường dây điện trên cao gây mất thẩm mỹ, đặc biệt tại các nút giao thông có nhiều trolleybus giao nhau. Nhưng theo tiến sĩ Trịnh Văn Chính, khi trolleybus được áp dụng tại Việt Nam sẽ sử dụng siêu tụ điện để sạc nhanh tại các trạm dừng đón khách.
Việc nghiên cứu và triển khai áp dụng năng lượng điện trong giao thông công cộng là cấp thiết, phù hợp chiến lược của nhà nước đối với năng lượng sạch, tái tạo; góp phần văn minh hiện đại cho đô thị; phù hợp định hướng thế giới trong lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch và tái tạo vào giao thông công cộng. Đồng thời phần nào giải quyết nạn ùn xe giờ cao điểm, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và tai nạn do xe buýt gây ra.
Ông Dương Hồng Thanh – Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết: “Hiện nay, Thành phố đang nghiên cứu dự án BRT (buýt nhanh) và nếu không có gì thay đổi sẽ đưa vào sử dụng năm 2014. Đề án ứng dụng xe buýt điện đã đưa thêm một loại phương tiện mới để chúng ta có thể lựa chọn cho việc quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng TP HCM”.