Nhập nội tạng, đừng đổ lỗi WTO

ThienNhien.Net – Trong công văn gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải việc nhập khẩu nội tạng trắng do sức ép từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Tất Thắng – chuyên gia nghiên cứu về WTO của Viện Nghiên cứu Thương mại lại không cho là như vậy.

Có lợi ích đằng sau ?

– PV: Thưa ông, một trong những lý do quan trọng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong Công văn 79 về đề xuất cho nhập trở lại nội tạng trắng là chúng ta phải “tuân thủ theo thông lệ quốc tế” của WTO. Theo ông, lý do này có thỏa đáng?

PGS-TS Phạm Tất Thắng:  Theo tôi, WTO không bao giờ bắt mình phải nhập cái này, cái kia. WTO chỉ yêu cầu mình không được phân biệt, đối xử, ví dụ như mình vẫn nhập hàng nội tạng của Mỹ, nhưng lại không nhập nội tạng của Úc, chuyện đó là không được. Còn giả dụ, vì vào WTO, nên phải nhập nội tạng, lý do này theo tôi là không thỏa đáng.

Riêng về trường hợp nhập khẩu nội tạng trắng, nếu chúng ta thấy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thì hoàn toàn có thể dùng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn của Việt Nam để chúng ta không nhập. Hơn nữa, hiện chúng ta đang tạm dừng và việc kéo dài quyết định này không có gì ảnh hưởng cả.

PGS-TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia nghiên cứu về WTO của Viện Nghiên cứu Thương mại
PGS-TS Phạm Tất Thắng – chuyên gia nghiên cứu về WTO của Viện Nghiên cứu Thương mại

– PV: Cũng theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu chúng ta cứ cấm nhập nội tạng trắng, các nước sẽ gây khó dễ cho hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, có nghĩa là chúng ta phải đánh đổi cái này để được cái kia, việc đánh đổi này có đáng không, thưa ông?

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Nói rằng không cho nhập nội tạng trắng, các nước họ sẽ gây khó dễ cho chúng ta trong xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như rau, quả, mật ong… thì cũng không thỏa đáng. Bởi vì, hàng rào kỹ thuật, rồi tiêu chuẩn của họ đặt ra như thế nào mình cũng phải đáp ứng, chứ đừng đổ vì mình cấm nhập nội tạng, mà họ gây khó dễ cho mình.

Ngay cả khi mình cho nhập nội tạng, mà hàng hóa nông sản của mình vi phạm, thì họ vẫn thổi còi. Đây không phải là chuyện đánh đổi, không thể nói rằng, tôi nhập nội tạng cho anh, thì anh xí xóa cho tôi nếu có vi phạm một số tiêu chuẩn vệ sinh ATTP trên rau thơm, hoa quả, rồi mật ong…

– PV: Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải thích, việc đề xuất cho nhập nội tạng trắng lần này là do áp lực từ các nước thành viên WTO, chứ không phải từ doanh nghiệp, song vẫn có ý kiến cho rằng đề xuất này là vì một lợi ích nào đó. Theo ông liệu có chuyện này không?

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Tôi cũng thấy có một điều là, ở những nước tiên tiến, họ không ăn nội tạng, mà chỉ dùng để chế biến thức ăn gia súc, nhưng ngay cả việc dùng làm thức ăn gia súc cũng được kiểm soát rất chặt chẽ, bởi nếu nội tạng được đưa vào mang mầm bệnh, họ cũng cấm.

Nói thật, nội tạng ở các nước tiên tiến, họ coi là rác khó xử lý. Vì vậy, nếu chúng ta nhập nội tạng của họ, tức là đi dọn rác cho họ. Tôi nói thật, nếu ai được phép nhập cái này hoặc đi làm cái này, lãi rất lớn, bởi mình có công đi dọn rác cho họ, nên chi phí cực thấp. Thậm chí, họ còn hỗ trợ cho người nhập khẩu công vận chuyển.

Ngược lại, ở nước ta và các nước lân cận, nhất là Trung Quốc, thì lại tiêu thụ nội tạng rất nhiều, thậm chí còn được coi là đặc sản. Nói như vậy để khẳng định, nhập nội tạng sẽ lãi rất lớn, nhưng lại gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất trong nước.

Do vậy, tôi nghĩ cũng phải thông cảm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi chắc cũng đã có hứa hẹn với một số doanh nghiệp rồi, cho nên nếu tiếp tục không cho nhập, thì cũng hơi khó xử. Song đứng về lợi ích nhiều mặt, tôi cho rằng nhất định không được cho nhập nội tạng.

Ảnh minh họa: Dân Việt
Ảnh minh họa: Dân Việt

Đừng đổ oan cho WTO

– PV: Theo ông, nhu cầu đối với mặt hàng này ở nước ta có lớn và liệu khi cho nhập về, chúng ta có thể kiểm soát được chất lượng vệ sinh ATTP?

Cục Thú y nói gì về nhập nội tạng?

Trả lời báo chí về vấn đề cho nhập nội tạng trắng trở lại, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Công văn đề xuất kiến nghị này (Công văn 79 – PV) do Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn, Cục Thú y chỉ góp ý, rồi gửi lại cho họ. Tại văn bản gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vụ Hợp tác quốc tế cũng đã giải thích rõ các lý do làm cơ sở đề xuất cho nhập trở lại.

Trong trường hợp Chính phủ cho nhập, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm soát rất chặt chẽ, tất cả các lô hàng nhập về đều phải lưu tại cảng biển, cửa khẩu, sau đó lực lượng sẽ kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP, nếu đạt yêu cầu mới cho phép nhập vào. Chúng tôi tin mình cho nhập vào sẽ có đầy đủ hệ thống lực lượng để kiểm soát.

P.V

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Nhu cầu của chúng ta về mặt hàng này trong nước không có gì cấp thiết, theo kiểu không có không được. Thậm chí, ngành y tế còn khuyến cáo người dân không ăn vì hàm lượng cholesterol trong nội tạng rất lớn, có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.

Đồng thời còn có một nguy cơ nữa đối với nội tạng nhập khẩu là mang theo mầm bệnh ảnh hưởng đến đàn gia súc của chúng ta, bên họ có thể kiểm soát được nhưng mình thì không.

Về vấn đề kiểm soát, tôi thấy, ngay như mức độ hiện nay (đang cấm) đã còn khó khăn, nay lại cho nhập khẩu vào còn khó kiểm soát hơn. Bởi mình lấy đâu ra người để mà kiểm soát? Do đó, lý do mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đều không thỏa đáng.

Có phải khi đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã phải chấp nhận nhiều điều kiện do tổ chức này đưa ra, nên mới dẫn tới việc như hiện nay là cứ hễ muốn nhập khẩu mặt hàng gì là các bộ lại đưa ra lý do là “tuân thủ theo thông lệ quốc tế”?

PGS-TS Phạm Tất Thắng: Việc không nhập mặt hàng này, mặt hàng kia, đặc biệt là các mặt hàng có nguy cơ gây mất vệ sinh ATTP, chúng ta hoàn toàn có quyền. Bởi mình không có nhu cầu, thì mình không nhập. Không bao giờ có chuyện WTO và các nước văn minh lại đi bắp ép mình ăn cái này, cái kia cho họ. Ngay cả cứ cho là theo WTO đi, chúng ta cũng có thể hỏi lại họ, xem họ có ăn không, mà lại bắt mình ăn.

Tôi xin nhắc lại, WTO chỉ đảm bảo nguyên tắc công bằng. Nhiều khi người ta cứ đổ oan cho WTO, thực tế tổ chức này có những nguyên tắc rất chặt chẽ như không phân biệt, đối xử. Theo đó, mình đối xử với hàng hóa trong nước như thế nào thì phải đối xử với hàng hóa ngoài nước như thế đấy; đối xử với quốc gia A như thế nào, cũng phải đối xử với quốc gia B như thế. WTO không yêu cầu chúng ta bắt buộc phải nhập một mặt hàng nào đó của các nước khác mà chúng ta không có nhu cầu.

Xin cảm ơn ông!

“Cam kết gì ảnh hưởng người dân?”

Về nguyên tắc đã hội nhập thì chúng ta phải cho hàng hóa các nước vào Việt Nam. Nhưng, có ai lại cho nhập khẩu hàng hóa gây hại? Kể cả việc chúng ta cấm nhập nội tạng, tôi nghĩ nhiều nước chưa chắc đã phản đối. Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn là sao lại có cam kết nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước như thế? Cần phải xem ai, cá nhân, tổ chức nào chấp nhận những cam kết phi lý như thế. Nếu có cam kết này thì chỉ phục vụ lợi ích của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp chứ không phải vì số đông người tiêu dùng, người sản xuất. Chính phủ cần bác đề xuất nhập khẩu này và nếu có cam kết phải nhập khẩu theo quy định của WTO như biện minh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cần có chỉ đạo để sửa chữa, thay đổi.

Ông Vũ Đình Anh – chuyên gia kinh tế

Dựng “hàng rào” để cấm nhập

Cam kết theo WTO là anh không được phân biệt đối xử với các quốc gia nào đó khi mà quốc gia khác có mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam cũng có chất lượng tương đương; không được dùng các biện pháp trá hình để bảo vệ sản xuất trong nước… Đó mới là cam kết cần phải thực hiện. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nhập khẩu nội tạng theo cam kết của WTO thì quả thật là tôi không hiểu. Với mặt hàng này, chúng ta có thể từ chối nhập khẩu mà không sợ quy định nào làm khó cả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là Cục Thú y chỉ cần đưa ra các hàng rào kỹ thuật, thú y… để chứng minh mặt hàng nội tạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều vi khuẩn để ngăn chặn nhập khẩu. Vấn đề là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thực hiện hay không mà thôi?

Bà Phạm Thị Tước – nguyên chuyên gia đàm phán WTO về nông nghiệp

Bài học “gà dai” còn nóng hổi

Tôi cho rằng việc cho nhập khẩu nội tạng là vấn đề cần hết sức cân nhắc. Bởi lẽ phủ tạng động vật nhập lậu vào Việt Nam hiện nay đã đủ làm cho người tiêu dùng lo ngại vì có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu cho phép nhập khẩu, dù có được kiểm soát thì người tiêu dùng cũng như chính cơ quan kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước sẽ rất lúng túng khi không thể phân biệt đâu là phủ tạng nhập khẩu chính ngạch, đâu là phủ tạng nhập lậu, khi bán lẻ hoặc đã chế biến thì không còn nhãn mác nào nữa. Trong khi nếu đã cấm nhập thì phủ tạng từ nước ngoài lưu thông trên thị trường đồng nghĩa với hàng nhập lậu, cơ quan chức năng phát hiện được thì cứ thế mà tịch thu, xử lý. Ở đây chúng ta đã có bài học từ “gà dai” nhập khẩu từ Hàn Quốc rồi. Hơn nữa, trong nước đã đủ đáp ứng nhu cầu. Chúng ta lại đang thực hiện cuộc vận động khuyến khích dùng hàng trong nước sản xuất. Vì vậy, ở góc độ bảo vệ quyền lợi cho đại đa số người tiêu dùng, tôi kiến nghị không nên nhập khẩu trở lại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Nguyên Khôi/Dân Việt, 25/01/2013