ThienNhien.Net – Trước thực trạng ô nhiễm đang ở mức báo động, đến sinh vật cũng chẳng thể sống nổi. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 góp phần nâng cao trách nhiệm, để người dân được sống trong một môi trường trong lành hơn.
Đô thị mới liên tục mọc lên, tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra tràn lan, doanh nghiệp thi nhau xả thải ra môi trường…đang trở thành mối đe dọa đối với môi trường sống hiện nay.
Điều 46 (mới) tại chương II, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu ngắn gọn: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành/ Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.
Trao đổi về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng nội dung này rất kịp thời và cần thiết trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Các nhà máy xả thải ra môi trường, kéo theo hàng loạt dòng sông lớn nhỏ từ Bắc vào Nam đang trong tình trạng ô nhiễm.
Phóng viên Infonet đã trao đổi với GS Đặng Hùng Võ để làm rõ hơn về thực trạng này, cũng như sự cần thiết của quy định “quyền được sống trong môi trường trong lành” tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
-PV: GS có nhận xét gì về thực trạng môi trường ô nhiễm của chúng ta hiện nay?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi phải khẳng định thực trạng ô nhiễm ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Hàng loạt các đô thị lớn mọc lên, đặc biệt nhiều nhất phải kể đến ở Hà Nội và TP HCM khiến mức độ ô nhiễm đang ngày một tăng lên.
Tội nghiệp hơn cả là hình ảnh sông nước hiện nay đã không còn giữ được khung cảnh dòng sông quê xưa cũ. Thật đau lòng khi một người dân đã nói với tôi rằng: “Ô nhiễm sông nặng đến mức ngay cả sinh vật cũng không sống nổi nữa”.
Lưu vực sông ô nhiễm ở Việt Nam đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng chưa giải quyết được. Điển hình ở phía Bắc phải kể đến hai dòng sông Nhuệ, Sông Đáy. Vấn đề này chúng ta đã đề cập đến hàng chục năm nhưng vẫn không giải quyết được. Hay ở miền Nam nổi lên hai con sông Thị Vải, sông Đồng Nai, ô nhiễm đến mức dân chài lưới cũng phải ngậm ngùi bỏ nghề.
Thực tế đó cho thấy chúng ta chưa làm tốt công tác môi trường. Điều này đương nhiên không đảm bảo đến quyền được sống trong một môi trường trong lành của mọi người dân.
-PV: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề cập đến “quyền” được sống trong môi trường trong lành, nhưng đồng thời còn nhấn mạnh đến “nghĩa vụ” bảo vệ môi trường. GS bình luận gì về nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp, làng nghề… trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường hiện nay?
GS. Đặng Hùng Võ: Các tổ chức doanh nghiệp nói chung hiện nay chưa thực hiện tốt nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, chưa trả lại sự trong lành vốn có của nó. Bằng chứng rõ nét nhất là tình trạng xả thải ra môi trường còn diễn ra phổ biến, tùy tiện.
Nhưng nghiêm trọng hơn phải kể đến tình trạng khai thác khoáng sản. Các địa phương cứ thi nhau tận thu, khai thác khoáng sản khiến mức độ tổn hại của môi trường càng trở nên trầm trọng hơn. Hiến pháp mới quy định không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân mà còn khiến các tổ chức doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp, gìn giữ sự trong lành của môi trường xung quanh.
-PV: Nội dung này trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có cần ghi cụ thể, chi tiết hay chỉ cần ngắn gọn như vậy là đủ, thưa GS?
GS. Đặng Hùng Võ: Với Hiến pháp chỉ cần nói ngắn gọn như vậy. Còn các tiêu chí cụ thể thường được quy định trong luật. Trải qua các thời kỳ, Hiến pháp của chúng ta cứ dần dần được bổ sung thêm. Đến Hiến pháp 1992 đã trở nên quá dài và đồ sộ. Vì thế đối với quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường chỉ cần quy định cô đọng như thế cũng đủ.
Tuy nhiên, nếu cần phải bổ sung một cách chi tiết, cụ thể hơn, cơ quan soạn thảo cần lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến của người dân về vấn đề này, lúc đó có thể đưa vào quy định khung của Hiến pháp.
-PV: Liệu có nên đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định thế nào thì được gọi là môi trường trong lành?
GS. Đặng Hùng Võ: Đưa ra tiêu chí cụ thể là điều cần thiết. Bên cạnh đó nếu những ai không thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường cũng phải đưa ra chế tài cụ thể. Các luật khác có liên quan đến vấn đề môi trường cũng cần quy định chi tiết, như vậy “quyền được sống trong môi trường trong lành” mới thực sự đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn GS!