ThienNhien.Net – Điện được tạo ra từ sức gió hay phong điện là một trong những nguồn năng lượng tái tạo mà con người chú ý đến vào lúc năng lượng hóa thạch đang cạn dần và gây ô nhiễm cho môi trường Trái Đất. Trong xu thế chung đó, việc khai thác loại năng lượng này tại Việt Nam và thế giới đến nay tiến triển như nào và triển vọng.
Khó khăn và triển vọng
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, ven biển nên lượng gió tại nhiều vùng miền được cho là dồi dào. Theo một khảo sát đối với bốn quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia về năng lượng gió do Cơ quan Năng Lượng Thế giới và Ngân hàng Thế giới tiến hành thì Việt Nam có tiềm năng lớn nhất về loại năng lượng này.
Kết quả khảo sát cho thấy có đến 8,6% diện tích của Việt Nam có tiềm năng được đánh giá từ “tốt” đến “rất tốt” để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn. Một số vùng được cho là có tiềm năng lớn về điện gió có thể kể là Ninh Thuận, Bình Thuận. Riêng tỉnh Bình Thuận có trên 75 nghìn ha diện tích có tiềm năng đưa vào quy hoạch điện gió và tổng công suất lắp đặt có thể khoảng trên 50 nghìn MW.
Đánh giá về tiềm năng và lợi thế điện gió của Việt Nam so với các nguồn năng lượng khác, ông Phạm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tái tạo Năng lượng Việt Nam (REVN) và là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tháp UBI chuyên sản xuất cột tháp tuốcbin điện gió, cho rằng Việt Nam có lợi thế về điện gió vì xét trong khu vực thì Việt Nam và Philíppin là hai nước có thể lợi dụng sức gió để sản xuất điện và chính sách của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này là khá rõ ràng.
Còn đối với những loại năng lượng tái tạo khác như năng lượng Mặt Trời, thủy triều thì đầu tư là rất cao, chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, và hiệu suất của điện Mặt Trời và thủy điện thấp hơn so với điện gió.
Với tiềm năng to lớn đó, trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra trước đây, phong điện phải chiếm chừng 3% tổng sản lượng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, song mục tiêu này đã không đạt được.
Vừa qua, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam trong thời gian tới cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Mục tiêu đến năm 2020 đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 1.000 MW, đến năm 2030 lên 6.200 MW.
Tính đến nay, tại Việt Nam có khoảng 20 dự án điện gió được đưa ra tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Lâm Đồng. Tại Bình Thuận, 16 dự án điện gió được đăng ký với tổng công suất 1350 MW và tại tỉnh này, nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam được chính thức khánh thành hồi tháng 4/2012. Đó là nhà máy do Công ty Cổ phần tái tạo năng lượng Việt Nam (REVN) đầu tư. Giai đoạn một của dự án tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được triển khai trên một diện tích 350 ha, với 20 trụ tuốcbin điện gió, mỗi tuốcbin có công suất 1,5 MW.
Tại nhà máy điện gió của REVN tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, các cột tháp tuốcbin là do Công ty TNHH một thành viên tháp UBI của Việt Nam sản xuất. Loại tháp này giúp giảm khoảng một phần ba chi phí so với giá tháp cùng loại được nhập từ nước ngoài về. Loại tuốcbin được đang được sử dụng tại nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam ở Bình Thuận không những được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu đi Ấn Độ, Braxin, Cộng hòa Liên bang Đức.
Về khả năng phát triển điện gió tại Việt Nam sau khi nhà máy điện gió đầu tiên ở Bình Thuận ra đời, ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết vừa rồi Bạc Liêu cũng vừa xây dựng một nhà máy điện gió nữa. Theo ông, với tiềm năng sẵn có cùng với việc nhà nước trợ giá, điện gió đang rất có khả năng phát triển.
Giải quyết khó khăn
Tại Việt Nam hiện có khoảng 20 dự án điện gió tại một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó dự án tại Bạc Liêu có công suất 99,2 MW hồi tháng 5/2012 cũng lắp đặt thành công hai tua-bin gió đầu tiên trên biển. Những bộ tua-bin này được nhập của tập đoàn General Electric, Mỹ. Theo nhận xét của ông Phạm Văn Minh, do phải nhập thiết bị của nước ngoài nên dự án này có những khó khăn nhất định.
Việc phát triển điện gió tại Bạc Liêu, Phú Quốc hiện nay gặp nhiều khó khăn lớn trong chủ động về công nghệ dù đầu tư cao. Ở Phú Quý, Bạc Liêu, việc lắp đặt đã xong mà không phát được điện lên lưới vì vướng mắc một số vấn đề kỹ thuật. Theo ông Phạm Văn Minh, đó không còn là trở ngại đối với công ty của ông bởi công ty này hiện là đơn vị duy nhất ở Việt Nam không những giải quyết được vấn đề mà còn chủ động về công nghệ. Công ty ông còn là đơn vị đầu tiên có giấy phép tổng thầu về điện gió ở Việt Nam mà do phía châu Âu cấp.
Bên cạnh đó, giá mua điện gió thấp so với mức đầu tư được cho là rất cao khiến cho nhiều doanh nghiệp ngại ngần khi bước chân vào lĩnh vực điện gió. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn này, Việt Nam cũng đã có chính sách trợ giá cho các nhà máy sản xuất phong điện.
Ông Phạm Văn Minh cho biết, giá bán điện cho lưới quốc gia từ nhà máy điện gió REVN không phải cao mà cũng không phải quá thấp mà ở mức trung bình. Theo ông Minh, giá mua điện như thế có thể giúp hoàn vốn và tái đầu tư nhưng kéo dài thời gian và thường phải kéo dài thêm vài năm, và từ đó khiến việc vay vốn của nước ngoài trở nên khó khăn. Một khó khăn đối với đơn vị như của ông Phạm Văn Minh trong vấn đề phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy điện gió tại Việt Nam là ở vốn đầu tư. Ông cho biết, vấn đề là vốn đầu tư rất lớn mà công ty lại thiếu vốn đầu tư, trong khi những đơn vị khác có tiền nhưng lại khó chủ động về công nghệ.
Ông nhấn mạnh thêm về những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các đơn vị phát triển điện gió như công ty của ông, với đề xuất ưu tiên về vốn cho chủ đầu tư thông qua những chính sách đặc biệt về vốn và ưu tiên cho việc phát triển trong nước. Ông nói trong khi công ty ông hoàn toàn sản xuất được cột tháp, phía Mỹ lại đi mua của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc về rồi bán cho Bạc Liêu khiến giá bị đội lên rất nhiều.