ThienNhien.Net – Mặc dù cho đến nay, dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu thế giới nhưng thời gian gần đây, viễn cảnh năng lượng đang dần thay đổi khi lượng tiêu thụ than và khí tự nhiên có chiều hướng gia tăng, nhất là trên thị trường điện.
Theo thống kê, lượng tiêu thụ than toàn cầu năm 2011 đã tăng 5,4%, tương đương 3,72 tỷ tấn dầu do sự gia tăng nhu cầu sử dụng than ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nhờ vậy mà tỷ lệ tiêu thụ than trong hệ thống các nguồn năng lượng sơ cấp toàn cầu đã đạt 28% – cao nhất kể từ khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) bắt đầu tiến hành thống kê các tỷ lệ này (năm 1971).
Tuy rằng Mỹ vẫn là một trong những nước sử dụng than nhiều nhất, song hơn 70% nhu cầu than toàn cầu năm 2011 lại rơi vào các quốc gia nằm ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tính ra thì lượng tiêu thụ của các nước ngoài khối OECD năm 2011 đã tăng 8%, tương đương 2,63 tỷ tấn dầu.
Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm gần một nửa tổng lượng tiêu thụ than năm 2011, còn Ấn Độ là nhân tố lớn thứ hai góp phần thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về than, đồng thời là nhà tiêu thụ than lớn thứ ba thế giới sau khi vượt Liên minh Châu Âu vào năm 2009.
Mặc dù nhu cầu về than năm 2011 của Mỹ đã giảm khoảng 5% và tiếp tục giảm vào năm 2012 do sự bùng nổ hoạt động khai thác khí đốt từ đá phiến và sự lan tràn của khí tự nhiên giá rẻ nhưng đây vẫn là nước tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới. Và ngay cả khi nhu cầu giảm, Mỹ vẫn chiếm tới 45% nhu cầu than trong khối OECD.
Cũng như mức tiêu thụ, sản lượng than tập trung chủ yếu ở Trung Quốc dù rằng Hoa Kỳ mới là nước có trữ lượng than lớn nhất, chiếm 28% tổng trữ lượng than toàn cầu, theo sau là Nga 18%, rồi mới đến Trung Quốc 13%, Australia 9% và Ấn Độ 7%.
Tương tự than, lượng tiêu thụ khí tự nhiên toàn cầu năm 2011 cũng gia tăng nhưng với tỷ lệ chậm hơn – 2,2%, tương đương 2,91 tỷ tấn dầu. Ngoại trừ Liên minh Châu Âu – nơi mà mức tiêu thụ khí tự nhiên giảm kỷ lục 9,9% vì suy thoái kinh tế và giá khí tự nhiên cao, còn ở tất cả các khu vực khác, mức tiêu thụ loại hình nhiên liệu này đều tăng, đáng kể nhất là Đông Á, dẫn đầu là Trung Quốc (21,5%) và Nhật Bản (11,6%).
Tuy nhiên, nếu đặt trong hệ thống các nguồn năng lượng sơ cấp toàn cầu, lượng tiêu thụ khí tự nhiên năm 2011 lại giảm nhẹ từ 23,8% năm 2010 xuống còn gần 23,7% năm 2011.
Cũng trong năm này, sản lượng khí tự nhiên có chiều hướng tăng cao hơn lượng tiêu thụ, đạt 3,1%, tương đương 2,96 tỷ tấn dầu. Trong đó, Mỹ và Nga chiếm tới gần 40% sản lượng khí tự nhiên toàn thế giới, theo sau là Canada, Iran và Qatar.
Song, người ta vẫn chưa thể biết trước câu chuyện về triển vọng tương lai của than và khí tự nhiên bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Biết đâu việc xuất hiện các loại hình công nghệ mới trong ngành điện hay việc các nước tăng cường theo đuổi những chính sách giảm tác động của hoạt động đốt than đối với môi trường cũng như sức khỏe con người lại khiến nhu cầu về than chững lại. Và biết đâu các mối quan ngại ngày một gia tăng về lượng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu có thể dẫn tới bước chuyển nhanh chóng từ than sang khí tự nhiên.
Ngoài ra, những trở ngại trong quá trình sử dụng kỹ thuật thủy lực (fracking) để khai thác khí đốt cùng mối đe dọa kìm hãm sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo từ khí tự nhiên rẻ biết đâu cũng có thể là nhân tố làm thay đổi tương lai của hai loại nhiên liệu hóa thạch này.