ThienNhien.Net – Tuy công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng ở một số địa phương, vẫn còn điểm nóng về khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ trong quản lý và bảo vệ rừng.
Nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng
Năm 2012, công tác quản lý và bảo vệ rừng đã được lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, chính quyền các địa phương tăng cường. Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được phát hiện, xử lý; các vụ phá rừng đã giảm, một số điểm nóng đã được xử lý kịp thời…
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn xảy ra. Điển hình như tại thị xã Ninh Hòa, rất nhiều người dân đổ về xã Ninh Vân đào xới rừng Hòn Hèo để khai thác cây xáo tam phân; hàng chục hộ dân ở xã Ninh Tây chặt phá, lấn chiếm đất rừng căm xe.
Còn tại xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn), hàng trăm người dân vào rừng tìm kỳ nam.
Ở xã Khánh Phú và Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh), người dân phá rừng để khai thác khoáng sản…
Đáng lo ngại là tiếp tục diễn ra tình trạng lâm tặc ngang nhiên khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến đường Khánh Lê – Lâm Đồng, phá rừng tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm), xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh)…
Ông Nguyễn Tây – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Khánh Vĩnh là huyện có diện tích rừng lớn (86.000ha), với nhiều loài cây gỗ quý như: pơmu, thông nàng, gõ… Rừng lại nằm ngay hai bên đường từ Khánh Lê đi Lâm Đồng với đường đèo dài gần 40km, rất thuận lợi cho lâm tặc tiếp cận rừng và vận chuyển gỗ khai thác trái phép. Năm 2012, nhờ sự tăng cường phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh và các đơn vị chức năng nên đã phát hiện, xử lý 206 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng (tăng 115 vụ so với năm 2011). Hiện nay, một số điểm nóng về phá rừng trên địa bàn là tuyến đường Khánh Lê – Lâm Đồng, xã Khánh Thượng…”.
Theo nhận định của ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, tuy tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật ở quy mô nhỏ nhưng lại rất tinh vi, diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trong khi đó, lực lượng quản lý và bảo vệ rừng mỏng; chính quyền cấp xã chưa đủ mạnh để cùng với lực lượng kiểm lâm ngăn chặn vi phạm ngay từ gốc; công tác BVR của các đơn vị chủ rừng chưa đạt hiệu quả; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chức năng trong công tác BVR chưa chặt chẽ…
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng
Ông Nguyễn Tây cho biết: “Chúng tôi xác định, “cuộc chiến” với các đối tượng phá rừng là lâu dài. Nếu chỉ riêng lực lượng kiểm lâm thì rất khó để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các địa phương, chủ rừng, đặc biệt là ý thức BVR của người dân”.
Được biết, năm 2013, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân tại các địa phương tham gia BVR, không tiếp tay cho các đối tượng phá rừng; tăng cường sự phối hợp với các cấp, ngành, phối hợp với các tỉnh giáp ranh để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã; củng cố và thành lập các chốt BVR để kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xâm hại rừng; đặc biệt là tăng cường kiểm tra hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe đối tượng buôn bán, tiêu thụ lâm sản trái phép…
Theo ông Trần Minh Thu, năm 2013, ngành Kiểm lâm sẽ tăng cường lực lượng, quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao. Bên cạnh đó, sẽ xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng, UBND các cấp nếu thiếu trách nhiệm để rừng bị chặt phá, xâm hại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ BVR, Nhà nước cần tăng cường nguồn lực cho lực lượng kiểm lâm; có những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ rừng. Mặt khác, chính quyền cấp xã cần phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức BVR của người dân.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, năm 2012, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 619 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng (tăng 62 vụ so với năm 2011); xử phạt vi phạm hành chính 612 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 6,3 tỷ đồng, chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 4 vụ…Ông Phan Huy Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa: Năm 2012, sở dĩ số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện và xử lý tăng hơn năm 2011 là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã nỗ lực tuần tra, kiểm soát, lập chốt chặn tại các tuyến đường mà lâm tặc thường vận chuyển lâm sản; xác định những điểm nóng, khu vực có trữ lượng gỗ quý hiếm lớn để có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.
Từ nay đến Tết, tình hình phá rừng sẽ rất phức tạp bởi nhu cầu sử dụng lâm sản tăng. Các lực lượng BVR sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. |