ThienNhien.Net – Ngày 21/01, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2013, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 1013 đạt 5,5% và 5,7% trong năm 2014 và 6% năm 2015.
WB dự báo, tăng trưởng toàn cầu nhìn chung sẽ giữ ở mức 2,4% trong năm 2013, trước khi dần dần mạnh lên để đạt 3,1% vào năm 2014 và 3,3% trong năm 2015. GDP các nước đang phát triển ước tính tăng trưởng 5,1% trong năm 2012, và dự báo sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2013, 5,7% năm 2014 và 5,8% năm 2015. Tăng trưởng ở các nước thu nhập cao đã bị hạ thấp so với các dự báo trước, ở mức 1,3% năm 2012 và 2013, tăng lên 2,0% năm 2014 và 2,3% năm 2015.
Tăng trưởng khu vực đồng euro dự báo chỉ khôi phục được con số dương vào năm 2014, sau khi đã âm 0,1% vào năm 2013, sau đó lên được mức 0,9% năm 2014 và 1,4% năm 2015. Nhìn chung, thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, với mức tăng trưởng khiêm tốn 3,5% năm 2012, dự báo sẽ tăng tốc, đạt 6,0% năm 2013 và 7,0% năm 2015.
Trong Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Deepak K. Mishra nhấn mạnh: Việt Nam đã hội nhập khá sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do đó nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá ổn định. Môi trường kinh tế vĩ mô đã có bước thay đổi, lạm phát giảm, dự trữ ngoại tệ tăng lên, cán cân thanh toán được cải thiện, tỷ giá ổn định. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 ở mức 5,2% và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 5,5% vào năm 2013. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên của Chính phủ.
Nhận định về triển vọng tăng trưởng đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Deepak K. Mishra cho rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu khởi động từ một số quyết định của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015. Tuy nhiên kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đối mặt với những rủi ro như sức ép việc nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ quá sớm có thể làm lạm phát tăng trở lại, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng và nợ công…
Chủ tịch Nhóm WB Jim Yong Kim cho rằng, phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và bất trắc, làm lu mờ triển vọng của nền kinh tế có thể cải thiện nhanh chóng và quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Kim nhấn mạnh, các nước đang phát triển cho đến nay vẫn rất kiên cường, nhưng không thể đợi cho đến khi tăng trưởng quay trở lại đối với các nước có thu nhập cao. Do vậy, WB phải tiếp tục hỗ trợ cho các nước đang phát triển đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Điều này sẽ giúp đặt nền móng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn mà chúng ta biết các nước đang phát triển có thể đạt được trong tương lai.