ThienNhien.Net – Dòng sông Ba bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy từ Kon Tum qua Gia Lai rồi đổ về xuôi trước khi ra biển. Bao đời nay, sông Ba là nguồn cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân hai bên bờ sông, nhưng từ khi thủy điện An Khê – Kanak chặn dòng, con sông này luôn đứng trước nguy cơ bị bức tử vì cạn nước và ô nhiễm.
Cầu sông Ba trên quốc lộ 19 là cửa ngõ vào thị xã An Khê, nhưng gần đây, những ai lưu thông qua đó đều phải bịt mũi vì mùi hôi khó chịu thường trực xộc lên.
Bên dưới cầu, rong rêu đầy rẫy, dòng nước bị thu hẹp, nổi bọt trắng xóa phủ dày mặt sông. Váng đục do rong rêu, cá chết, kết hợp các loại rác thải, xác động vật bị vứt xuống nổi lềnh bềnh, đập vào mắt người qua lại, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Sông thối…
Đứng trên bờ sông phóng tầm mắt ra xa có thể dễ dàng nhìn thấy cả đoạn sông dài gần như cạn trơ đáy, nước thải đóng thành vũng đặc quánh, đen ngòm. Thói quen tắm rửa, giặt đồ hoặc đi dạo hóng mát bên bờ sông của người dân mất dần theo thời gian con sông bị ô nhiễm. Quả không quá lời khi nói rằng con sông bao đời là nguồn nước sinh hoạt và nước tưới của người dân tỉnh Gia Lai giờ đang ngắc ngoải.
Thực trạng này là hệ quả của việc nhiều năm nay sông Ba trở thành nơi hứng chịu các nguồn nước thải công nghiệp từ các nhà máy tuyển quặng, chế biến mía đường, ván ép công nghiệp, sắn tươi… như nhà máy MDF, nhà máy đường An Khê, nhà máy chế biến sắn Veyu, nhà máy tuyển quặng K’bang… cùng lượng nước thải sinh hoạt của hàng chục ngàn người dân.
Bà Võ Thị Trám (đường Quang Trung, phường An Bình) bức xúc: “Ô nhiễm là từ mấy nhà máy đó, có hôm nửa đêm về sáng nó xả, xả trực tiếp ra sông, ầm ầm luôn, mùi nồng nặc luôn, dân sống làm sao nổi. Ngày tiếp theo, cá chết nổi trên sông ngay”.
Trước đây, nước sông nhiều nên nguồn ô nhiễm bị đẩy về xuôi, song từ khi thủy điện An Khê -Ka Nak chặn dòng, tích nước, nước trên sông Ba xuống thấp, lượng nước này tiếp tục được đưa về sông Kôn (Bình Định) nên lưu lượng còn lại không đảm bảo theo quy định 4m3/s, khiến dòng chảy bị ứ đọng, các chất thải cặn bã bị tích dồn, tình hình ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Có mặt tại suối Vối, chúng tôi nhận thấy, từ khi lưu lượng dòng chính giảm thì con suối này là nguồn cung cấp nước đáng kể cho vùng hạ lưu sông Ba. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, suối bị ô nhiễm nặng khiến sông Ba “gánh” thêm phần ô nhiễm.
… và dân “khát”
Sông Ba ô nhiễm khiến nguồn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của tỉnh Gia Lai, khoảng 400 nghìn dân sống tên các đô thị dọc Ba đều thiếu nước. Thị trấn Ka Nak (huyện Kbang) vì ở đầu nguồn nên ít chịu tác động nhất. Các đô thị còn lại như thị xã An Khê, thị trấn Kbang, thị trấn Ia Pa, thị xã Ayunpa, thị trấn Phú Túc – Krông Pa… đều chịu ảnh hưởng nặng nề trong việc sử dụng nguồn nước sông Ba.
Mỗi sáng, đoạn đường từ huyện Kbang về thị xã An Khê tấp nập người đi xe gắn máy chở những can nhựa lớn đựng nước.
Được biết, đó là những người dân sống ở thị xã An Khê, do nguồn nước sông Ba bị ô nhiễm nên họ phải vào tận huyện Kbang ở thượng nguồn lấy nước về dùng.
Bất chấp thời tiết, ngày nắng cũng như khi mưa, họ phải vượt gần 30km đường đầy ổ gà để lấy nước ăn uống.
Sông Ba bị ô nhiễm nặng nên nguồn nước máy từ nhà máy nước An Khê cũng bị ảnh hưởng theo. Mỗi lần mở vòi nước, từng dòng nước đục ngầu đầy cặn đỏ chảy ra khiến nhiều gia đình không dám sử dụng để ăn uống, chỉ có thể tạm dùng để tắm giặt.
Ông Lê Văn Tín (ở phường An Bình, thị xã An Khê) cho biết: “Người già và trẻ nhỏ đều bị ảnh hưởng sức khỏe. Nguồn nước ăn cũng bị nhiễm bẩn theo, nhiều hộ phải đi chở nước nơi khác về ăn uống và sinh hoạt. Mong sao chính quyền giải quyết nhanh cho dân nhờ”.
Không chỉ là nguồn cung cấp nước, sông Ba còn là nơi mưu sinh của nhiều người làm nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, từ khi dòng sông hứng chịu ô nhiễm, ngư nghiệp ở đây sa sút hẳn, những loài cá từng được coi là đặc sản của vùng như cá đá, cá kèo… đang có nguy cơ tuyệt diệt.
Việc sông Ba cạn dòng và ô nhiễm nặng cũng khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai gặp nhiều khốn khó.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất của khu vực này là hàng trăm triệu mét khối mỗi năm, nhưng từ khi thủy điện An Khê – Kanak tích nước và nắn dòng, hàng chục nghìn ha đất sản xuất trở nên điêu đứng vì thiếu nước.
Người dân ở hạ lưu cho biết, điệp khúc “nắng hạn mưu lụt” thường xảy ra mấy năm nay.
Mùa mưa năm 2011, dù chưa vận hành, thủy điện An Khê – Kanak đã xả lũ cuốn trôi gần 50 ha hoa màu của hàng trăm hộ dân sống ven bờ sông Ba, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Còn mùa khô, tình trạng những cánh đồng khô cháy cũng không khó bắt gặp tại các huyện ở hạ lưu sông như Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa.
Tỉnh Phú Yên, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, năm nào cũng kêu trời vì vào mùa khô, thủy điện An Khê – Kanak tích nước rồi trả nguồn nước sau chạy máy về sông Kôn khiến hạ lưu sông Ba cạn kiệt.
Rõ ràng việc giải quyết các vấn đề sông Ba liên quan đến thủy điện An Khê-Ka Nak bằng cách đưa ra phương án tính toán lại quy trình vận hành, điều hòa nguồn nước trong mùa khô kiệt cho vùng hạ du sông Ba, ưu tiên đảm bảo dòng chảy phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu là vấn đề cần được ưu tiên lúc này.
Bên cạnh đó, cần chú trọng giải quyết thực trạng ô nhiễm trên dòng sông Ba bằng việc kiểm soát các nguồn thải đổ trực tiếp xuống sông, nhất là nguồn nước thải từ các khu công nghiệp lân cận.