ThienNhien.Net – Năm 2012, trong tình hình kinh tế thế giới và cả nước gặp khó khăn nhưng tổng vốn FDI đầu tư vào Bình Dương đạt hơn 2,6 tỉ USD bằng 2,6 lần kế hoạch cả năm và đứng đầu cả nước, trong đó vốn bổ sung mở rộng dự án trên 1 tỷ USD.
Có được kết quả này là do Bình Dương tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN) hoàn chỉnh theo hướng hiện đại, nhất là có hình thức tiếp thị – xúc tiến đầu tư nước ngoài thiết thực và hiệu quả.
Nhà đầu tư hài lòng
Đánh giá về môi trường đầu tư thuận lợi tại Bình Dương, ông Wada Yuji, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sun Steel hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn – thép cho biết: Chúng tôi rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Mặc dù tình hình khó khăn nhưng với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của tỉnh trong các năm qua nên năm 2012 công ty mạnh dạn đầu tư thêm 120 triệu USD mở rộng sản xuất. Còn ông Hidetake Senoo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Stec thì cho rằng: Bên cạnh cơ sở hạ tầng đồng bộ và thuận lợi, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Là địa phương khởi xướng chính sách “trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” ở đầu những năm 90, xuyên suốt cho đến nay, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm và chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các sở ngành, địa phương nhất là các cơ quan chức năng phải hoàn thiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần thăm các cơ sở tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các Chi hội, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư liên quan đến trách nhiệm địa phương và kiến nghị đến các bộ ngành trung ương những vấn đề liên quan về chính sách, pháp luật chưa phù hợp… Nhờ đó trong nhiều năm liền, Bình Dương đứng đầu hoặc trong tốp đầu các địa phương về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (CPI).
Hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và hiện đại
Bình Dương đã chủ động sớm quy hoạch các khu-cụm công nghiệp, từ các khu-cụm ở phía Nam tỉnh trong giai đoạn đầu, đến khu vực phía Bắc cho giai đoạn phát triển “đưa công nghiệp về nông thôn” khi các khu công nghiệp (KCN) phía Nam lấp kín. Các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch dọc các trục lộ đường giao thông thuận lợi, nhất là dọc theo Đại lộ Bình Dương – đường huyết mạch của tỉnh nối các tỉnh Tây Nguyên xuống TP. Hồ Chí Minh hay đường cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn nối liền Đại lộ Bình Dương sang các cảng sông Thạnh Phước, cảng biển Thị Vải, sân bay Long Thành (Đồng Nai). Tỉnh đã quy hoạch và được phê duyệt 28 KCN với diện tích 9.073 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 600 ha trong đó có 26 KCN hoạt động trải rộng ở 5 huyện, thị, thành phố.
Từ mô hình KCN Việt Nam-Singapore 1 (VSIP 1) do Công ty liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore được xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại, đến nay nhiều KCN khác cũng được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ. Tỉnh cũng đảm bảo xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào phục vụ các KCN như hệ thống cung cấp điện, nước, thoát nước…Nhiều KCN như Mỹ Phước 1, 2, 3, VSIP 1, 2, Bàu Bàng… có diện tích lớn trở thành điểm lựa chọn của các nhà đầu tư. Các KCN hoạt động đã đạt tỷ lệ lấp kín bình quân 65% diện tích, nhiều KCN đã lấp kín 100% diện tích như VSIP 1, VSIP 2, Mỹ Phước, Sóng Thần 1,2… Các cụm công nghiệp cũng đã lấp kín bình quân 41% diện tích, trong đó có 3 cụm lấp đầy.
Nổi bật là gần đây khu đô thị thành phố mới Bình Dương với diện tích 1.000 ha do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài và Viện kiến trúc thuộc Trường đại học quốc gia Singapore quy hoạch chi tiết 1/500 theo mô hình hiện đại, tiên tiến để trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại. Chủ đầu tư đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật tạo lực như đường nhựa, điện, nước, công viên, hồ nước…Thành phố lập tức thu hút Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) liên doanh với Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương có diện tích hơn 71 ha ở trung tâm thành phố mới Bình Dương. Dự án có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD – là dự án có vốn FDI lớn nhất của tỉnh với mục tiêu phát triển khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở và các dịch vụ giải trí, thương mại, văn phòng…
Đa dạng hình thức thu hút đầu tư
Công tác tiếp thị, xúc tiến, kêu gọi đầu tư đã được tỉnh tổ chức có bài bản mà đơn vị tiên phong là Tổng Công ty Becamex IDC. Công tác này không “khoán trắng” cho từng chủ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN “tự bơi” mà được lãnh đạo tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi. Lãnh đạo tỉnh thông qua các cuộc gỡ với các Tổng lãnh sự quán, Hiệp hội, Chi hội doanh nghiệp các nước…làm công tác tiếp thị, xúc tiến đầu tư, hay thông qua các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại tỉnh hoạt động có hiệu quả để giới thiệu “tình hình môi trường đầu tư thực tế của Bình Dương”. Đặc biệt Tổng Công ty Becamex IDC còn tổ chức được mạng lưới người nước sở tại làm công tác tiếp thị đầu tư cho mình. Với cách làm này, Bình Dương vừa chọn được các nhà đầu tư tiềm năng là các tập đoàn mạnh, vừa chọn được các án đầu tư công nghiệp có công nghệ hiện đại, dự án đầu tư thương mại-dịch vụ-đô thị… theo định hướng phát triển bền vững của tỉnh, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Khi dẫn đầu đoàn thăm và làm việc tại Bình Dương trong tháng 10-2012, ông Hata Yuichiro – Bộ trưởng Bộ Đất đai-Cơ sở hạ tầng-Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết: Chính phủ Nhật Bản ủng hộ dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương và đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện để dự án hoàn thành cũng như các dự án khác của doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai. Nhật Bản có chương trình phát triển đô thị sinh thái có quy mô lớn ở Việt Nam và xem xét chọn Bình Dương là nơi khởi đầu chương trình.
Năm 2013 tuy tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, nhưng với kinh nghiệm đã có Bình Dương tin tưởng sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI.