ThienNhien.Net – Thay vì bắt buộc phải thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp từ ngày 1/1/2013, việc dán nhãn năng lượng sẽ được gia hạn 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo nhóm thiết bị.
Đó là nội dung tại Quyết định 03/2013/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
Cụ thể, thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc từ ngày 1/7/2013 đối với các thiết bị gia dụng: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện.
Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện cũng được gia hạn dán nhãn năng lượng 6 tháng. Theo đó, bắt buộc phải dán nhãn năng lượng cho các thiết bị này từ ngày 1/7/2013.
Đối với các thiết bị gia dụng gồm tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy thu hình được gia hạn dãn nhãn năng lượng 1 năm. Từ ngày 1/1/2014 mới bắt buộc phải dán nhãn năng lượng cho các thiết bị này.
Về lộ trình thực hiện áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, Quyết định nêu rõ, từ ngày 1/1/2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị gia dụng có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Theo quy định cũ tại Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg thì thời hạn này là ngày 1/1/2014.
Bộ Công Thương cho biết, tính cho đến nay đã thực hiện dán nhãn cho 155 sản phẩm thuộc lĩnh vực gia dụng của 35 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu. Các sản phẩm đã dán nhãn như: ballast tiết kiệm điện, huỳnh quang compact, đèn huỳnh quang ống tiết kiệm điện, quạt, điều hòa không khí gia dụng, tủ lạnh, quạt điện, máy giặt, máy biến áp phân phối, động cơ điện, nồi cơm điện.
Các sản phẩm, thiết bị dán nhãn năng lượng trên thị trường góp phần tạo sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về đẳng cấp và chất lượng thiết bị.
Tuy nhiên, việc triển khai lộ trình dán nhãn năng lượng hiện còn một số khó khăn, rào cản như cơ sở hạ tầng thử nghiệm, nguồn nhân lực, nguồn kinh phí triển khải, sự thiếu hụt các thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng,…
Chưa kể vẫn còn có doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc dán nhãn năng lượng, chỉ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký khi thời hạn bắt buộc đến gần. Vì thế, số lượng các hồ sơ cần xử lý trong thời điểm cuối năm 2012 tại cơ quan nhận đăng ký là rất lớn, khó có thể thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm để xử lý, cấp giấy chứng nhận kịp thời.