ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 15 năm trở lại đây các loại thiên tai như bão lũ, sạt lở, hạn hán, úng ngập… đã khiến 10.711 người bị chết và mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.
Con số trên được đưa ra tại Hội thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường,” được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 17/1.
Cũng theo Bộ này, dự báo cuối thế kỷ 21, hậu quả từ biến đổi khí hậu có thể khiến nhiệt độ ở Việt Nam tăng khoảng 4 độ C, nước biển có thể dâng cao khoảng 1m.
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Các chuyên gia về môi trường nhận định, chỉ cần nước biển dâng thêm 1m, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập 40%, đồng bằng Bắc Bộ ngập 11%, gây tổn thất khoảng 10% GDP và 12% dân số.
Việc nước biển dâng sẽ tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ cũng như các nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng tới sinh sản, truyền dịch của gia súc, gia cầm…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đang đặt ra một thách thức lớn. Chúng ta đã đưa ra các giải pháp, chương trình về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường song vẫn chưa hiệu quả, biến đổi khí hậu vẫn có nhiều tác động hiện hữu.”
Bởi vậy, Phó Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là cần lấy các ý kiến đánh giá hiện tượng, tác động; đưa ra được các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường bằng các giải pháp mạnh về trước mắt và lâu dài.
Cũng tại hội thảo, các tham luận, ý kiến đã đề cập những nội dung quan trọng của dự thảo Đề án, nổi bật là vấn đề thay đổi nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo thành ý thức và những hành động cụ thể, không để tư tưởng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường”. Đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế dựa trên cơ chế thị trường để điều tiết vĩ mô, khuyến khích thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, ít chất thải và các-bon thấp, đồng thời thúc đẩy khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Có ý kiến cho rằng, giải pháp kinh tế cũng cần ưu tiên ngay trong lĩnh vực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Nhà nước cần có chế tài xử lý trường hợp không thực hiện quy định của pháp luật, tạo chính sách khuyến khích tham gia bảo hiểm về thiên tai. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản ánh hiện nay gần như chưa huy động được các nguồn lực từ doanh nghiệp và cộng đồng cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, cần đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, đặc biệt là việc huy động, triển khai lồng ghép nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ các nước, khai thác nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cũng như huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Đảm bảo cân đối được nguồn lực từ ngân sách cho một số dự án trọng điểm, đặc biệt là chương trình nâng cấp đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa. Theo Chương trình làm việc, Đề án về Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sẽ được tiếp tục được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các ngành, giới trong xã hội, các địa phương phía Nam và người dân trong cả nước dưới nhiều hình thức tham gia. Dự thảo và Báo cáo tóm tắt của Đề án cũng đã được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong nhân dân. (Theo Nguyên Linh/ Chinhphu.vn, 17/01/2013) |