ThienNhien.Net – Sau lễ tổng kết Chương trình UN-REDD (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng) Việt Nam pha 1 đầu tháng 12/2012, ngày 17/1/2013, tại Hà Nội, Văn phòng REDD+ Việt Nam (VRO) tiếp tục tổ chức Hội thảo tham vấn nhằm hoàn tất văn kiện triển khai pha 2 Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo cán bộ nhà nước, chuyên gia và các nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước với mong muốn thu nhận được những khuyến nghị, phản hồi giá trị để đưa vào văn kiện pha 2.
Nội dung Hội thảo không đi vào chi tiết các vấn đề được trình bày trong văn kiện mà tập trung thảo luận nhóm một cách nghiêm túc 6 kết quả/đầu ra chính của pha 2.
Sau khi thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí với hầu hết các kết quả văn kiện đưa ra, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thể chế, cơ cấu tổ chức thực hiện dự án một cách hiệu quả, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ triển khai dự án từ cấp trung ương tới cấp địa phương, đồng thời khẳng định vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách nhà nước…
Ngoài ra, một số đại biểu còn đề xuất nên sớm xây dựng sổ tay thực hiện dự án và tổ chức ban giám sát độc lập có tính đến sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự hoặc các chuyên gia độc lập.
Được biết, đây không phải là hội thảo tham vấn đầu tiên phục vụ cho văn kiện này mà trước đó, VRO đã tiến hành thu nhận ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín thông qua các cuộc họp mặt khác và qua điện thoại, email.
UN-REDD là chương trình hợp tác của Liên Hợp quốc do Na Uy, Đan Mạch và Tây Ban Nha tài trợ nhằm giúp các nước đang phát triển chuẩn bị cơ sở để sẵn sàng thực thi REDD+. Đến nay, đã có 9 nước tham gia vào chương trình này, trong đó có Việt Nam.Chương trình UN-REDD Việt Nam đã hoàn thành pha 1, thí điểm tại hai huyện Lâm Hà và Di Linh (Lâm Đồng) trong vòng 3 năm từ 2009 – 2012, với tổng đầu tư gần 4,4 triệu USD. Pha 2 vẫn do Chính phủ Na Uy tài trợ nhưng với số vốn lớn hơn pha 1 rất nhiều (hơn 30 triệu USD) và diện thí điểm rộng hơn (ngoài Lâm Đồng còn có 5 tỉnh có độ che phủ rừng cao bao gồm: Cà Mau, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Lào Cai). Mục tiêu chính của pha 2 là nhằm đóng góp cho quá trình giảm phát thải của Việt Nam, nâng cao năng lực vận hành Chương trình REDD+, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các chiến lược quốc gia của Chính phủ Việt Nam. |