ThienNhien.Net – Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến Ủy ban hường vụ Quốc hội chiều 15/1. Theo đó, sẽ thu hẹp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội và làm rõ căn cứ để thu hồi đất…
Nhà nước sẽ không được ưu tiên mua đất
Theo Dự thảo do Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang trình bày, điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này là tại Chương II (Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai), Luật bỏ quy định về Nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất.
Chương này cũng bổ sung quy định Nhà nước có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đất đai và bảo đảm quyền được tiếp cận các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân.
Trong khi đó, Dự thảo lần này quy định người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và không bị hạn chế về quyền sử dụng đất trong trường hợp các dự án, công trình đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất và đã công bố phải thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Về thu hồi đất, trong Chương VI của Dự thảo được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thu hẹp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội và làm rõ căn cứ để thu hồi đất.
Điều 64 của Chương này cũng bổ sung quy định chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, đồng thời quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất theo 2 hình thức: Thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất (Điều 69), và Thu hồi đất để giao đất, cho thuê theo hình thức chỉ định chủ đầu tư (Điều 70).
Trong khi đó, Điều 71 của Chương này bổ sung quy định cưỡng chế quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và quyết định thu hồi đất; quy định thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo hướng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất là người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế; người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì không được ủy quyền.
Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Dự thảo luật bổ sung thêm trường hợp người “sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” vào diện được bồi thường khi bị thu hồi đất. Đồng thời, bổ sung những quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình xây dựng trên đất, bồi thường với vật nuôi cây trồng, bồi thường về tài sản và thiệt hại sản xuất kinh doanh, bồi thường chi phí di chuyển khi nhà nước thu hồi đất.
Áp dụng bảng giá đất: Cách nào cũng chưa ổn
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, có một số nội dung cần đưa ra xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đó là quy định tại Điều 109 về áp dụng bảng giá đất; Điều 106 quy định về Quỹ phát triển đất và Điều 23 quy định về Tổ chức phát triển quỹ đất, vấn đề công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 161.
Đặc biệt, riêng quy định áp dụng Bảng giá đất trong Điều 109 thu hút được nhiều ý kiến nhất. Theo tổng hợp ý kiến của Ủy ban Kinh tế thì có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bảng giá đất do Nhà nước quy định được áp dụng cho tất cả các mục đích như phương án 1 trong dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ áp dụng bảng giá đất đối với các trường hợp: tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. Các trường hợp còn lại thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể không thấp hơn bảng giá đất để áp dụng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ hai như phương án 2 trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, đóng góp ý kiến vào Điều 109 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết chưa hài lòng đối với cả hai phương án.
Theo đó, ông Phan Trung Lý cho rằng, bảng giá đất của mỗi địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng và cần có sự thống nhất về các khái niệm ban hành, thông qua. Theo ông, nhà nước phải chủ động trong quản lý đất và phát huy vai trò trong tạo mặt bằng, điều kiện để phát triển thị trường, không chạy theo thị trường.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vẫn còn nhiều điểm xung đột trong quy định này. Theo ông, quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến bảng giá đất không sát thực tế, có khi phải chạy theo giá đất ảo mà vẫn không thỏa mãn yêu cầu của người dân, phát sinh khiếu kiện thắc mắc.
Về quy định công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực; trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định của dự thảo Luật, không bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.
Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký này đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Nếu bắt buộc phải có công chứng các hợp đồng thì sẽ gây khó khăn cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến lại tán thành với phương án 1 của Dự thảo. Theo Thứ trưởng Bộ tư pháp Đinh Trung Tụng, quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân, phòng ngừa rủi ro khi xảy ra tranh chấp và phù hợp tình hình hiện nay.
Rút kinh nghiệm từ Luật đất đai năm 2003, một số ý kiến đề nghị Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này không nên để quá nhiều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết mà cần được quy định cụ thể ngay trong luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sau phiên họp này Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về luật đất đai sửa đổi. Từ ngày 1/2, Chính phủ sẽ triển khai việc lấy ý kiến của nhân dân. |