ThienNhien.Net – Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các khu công nghiệp nói riêng ở Việt Nam đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp gây ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước từ các khu công nghiệp, trong đó có thể kể tới một vài nguyên nhân chính như: công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp còn nhiều bất cập; công tác đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; hạn chế về mặt cơ chế, chính sách và hạn chế trong nhận thức của cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp, cộng đồng.
Về công tác quy hoạch, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự bất cập về địa điểm bố trí, quy mô và loại hình sản xuất của nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế – xã hội của dân cư địa phương, an ninh lương thực và chất lượng môi trường, sinh thái trong vùng. Sự phát triển manh mún, không có điều phối chung, thậm chí có phần cạnh tranh giữa các địa phương làm cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển thiếu sự đồng bộ, rời rạc, tỷ lệ lấp đầy và hiệu quả khai thác kém, thiếu các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như thiếu sự kết nối liên tỉnh, liên vùng và xuyên quốc gia.
Hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các nhà đầu tư, có thể do nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn hạn chế, có thể do các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm về bảo vệ môi trường, hoặc có thể do các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn thích hợp để đầu tư xây mới và mở rộng các khu xử lý nước thải tập trung.
Trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu phí thu gom, xử lý nước thải từ các doanh nghiệp thì chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp khó có thể bù đắp được các chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống cống thu gom, trạm bơm, trạm xử lý nước thải của khu công nghiệp. Rủi ro càng cao hơn khi trạm xử lý nước thải phải được xây dựng trước khi các nhà đầu tư xem xét vào khu công nghiệp, khu công nghiệp không thu hút được nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy thấp.
Bên cạnh hai yếu tố nêu trên thì năng lực và nguồn lực cần thiết của hệ thống các cơ quan quản lý và lực lượng giám sát thi hành luật pháp về bảo vệ môi trường cũng chưa đủ mạnh để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; phương tiện và thiết bị phục vụ quan trắc ô nhiễm nước thải công nghiệp vừa thiếu vừa lạc hậu.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp còn chồng chéo và có những khoảng trống.
Các cấp chính quyền cũng chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia, hỗ trợ hệ thống quản lý nhà nước giám sát thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Lỗi hay mắc phải
Một trong những vấn đề kỹ thuật hay mắc phải tại các trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp là lỗi thiết kế, thi công trạm xử lý nước thải. Phần lớn các trạm xử lý nước thải đều được thiết kế dựa trên kinh nghiệm của nhà thầu mà không có đầy đủ thông tin về số lượng, thành phần, tính chất nước thải đầu vào. Khi chưa có nước thải thực tế, các nhà thầu đề xuất trạm xử lý nước thải với kích thước công trình tối thiểu để giảm giá thành và thắng thầu.
Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, các trạm xử lý nước thải không có điều kiện để điều chỉnh chế độ vận hành phù hợp với đặc tính nước thải thực tế, dẫn đến tình trạng trạm xử lý nước thải hoạt động kém hiệu quả. Một số nhà thầu đưa ra phương án với giả thiết ràng buộc giá trị một số chỉ tiêu chất lượng nước đầu vào trạm xử lý nước thải để chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Trong nhiều trường hợp, khi trạm xử lý nước thải hoạt động hết công suất và các vấn đề như quá tải, sự cố… xảy ra thì thời hạn bảo hành đối với công trình đã kết thúc, và trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị khai thác vận hành xử lý nước thải chứ không phải nhà thầu.
Trong việc lựa chọn dây chuyền công nghệ, phần lớn các dây chuyền công nghệ đều tương tự nhau. Các dây chuyền công nghệ được thiết kế rập khuôn, thiếu những điều chỉnh đặc thù với loại hình sản xuất, chế độ thải nước và các điểm riêng biệt của mỗi khu công nghiệp.
Đặc biệt, các nhà thầu thường thiết kế bể điều hòa với dung tích tối thiểu với thời gian lưu nước trong bể thường chỉ trong khoảng 4 – 8h tính theo lưu lượng giờ trung bình nhằm giảm chi phí cho chủ đầu tư và thêm cơ hội thắng thầu cho nhà thầu. Tuy nhiên, đánh giá thực tế tình hình hoạt động của các trạm xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp cho thấy, hầu hết các bể điều hòa đều thiếu dung tích, không điều hòa được lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm chảy về trạm xử lý nước thải.
Bên cạnh công tác thi công, công tác vận hành và bảo dưỡng trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp cũng tồn tại nhiều bất cập. Do năng lực quan trắc dòng nước thải đầu vào trạm xử lý nước thải tập trung còn nhiều hạn chế nên có nhiều nguy cơ dẫn đến sự cố của toàn trạm xử lý nước thải. Rủi ro càng cao khi có nhà máy xả ra hệ thống thoát nước những chất thải độc hại, đặc biệt khi họ xả vào các thời điểm như cuối ca, ban đêm…
Ở nhiều trạm xử lý nước thải tập trung, công đoạn keo tụ bằng hóa chất được chủ trương sử dụng khi các chất ô nhiễm trong dòng nước thải đầu vào vượt quá cột C, TCVN 5945 – 2005 cũ hoặc tương đương. Thậm chí, nhiều nơi không làm thí nghiệm keo tụ – lắng (Jar Test) để xác định loại và liều lượng hóa chất tối ưu. Việc định lượng hóa chất keo tụ không đúng dẫn đến hiệu suất keo tụ – lắng thấp, hàm lượng chất ô nhiễm, chất độc hại đưa sang bể xử lý sinh học lớn, có thể gây sốc, làm chết vi sinh vật có trong bùn hoạt tính. Rủi ro càng cao khi các nhà máy bất ngờ xả các chất độc hại hay một lượng lớn chất bẩn vào hệ thống thoát nước mà không xử lý sơ bộ.
Ở nhiều nơi, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tìm cách giảm tối đa chi phí vận hành như: giảm chi phí năng lượng, hóa chất vận hành, giảm số mẫu phân tích, tránh vận hành bơm và máy thổi khí vào các giờ cao điểm, không bổ sung hóa chất (N, P, polymers , Clo…). Một số trạm xử lý nước thải không hoạt động liên tục 24/24 để tiết kiệm chi phí. Công tác vận hành, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị nhiều nơi không tuân thủ đúng quy trình, dẫn đến tình trạng hỏng hóc thiết bị, làm cho hiệu suất xử lý nước thải không đạt yêu cầu…
Nhiều trạm xử lý có công suất vừa và lớn nhưng chỉ có duy nhất một máy làm khô bùn, không có sân phơi bùn dự phòng. Trên thực tế, các hệ thống làm khô bùn là một trong những khâu hay gặp sự cố, trục trặc nhất ở các trạm xử lý nước thải. Nhiều hệ thống làm khô bùn không hoạt động. Vấn đề vận chuyển, thải bỏ bùn tại nhiều nơi cũng không được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi chỉ ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải và chất thải nguy hại là coi như hết trách nhiệm. Quản lý bùn chứa các chất độc hại như kim loại nặng, dầu mỡ, các chất hữu cơ khó phân hủy… lẫn với bùn sinh học vẫn còn phổ biến.
Việc duy trì công tác bảo dưỡng phòng ngừa, ghi chép nhật ký vận hành, kiểm toán chất thải… ở nhiều trạm xử lý nước thải cũng chưa làm tốt theo đúng yêu cầu.
Nhu cầu về người làm đúng chuyên môn và nhu cầu đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho cán bộ và công nhân vận hành còn rất lớn. Sự sẵn sàng và trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị vận hành trong việc phòng ngừa, ứng cứu và xử lý sự cố tại các trạm xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.
Kiến nghị và đề xuất
Đối với các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, chỉ cho phép tiếp nhận các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao hoặc ít gây ô nhiễm, các dự án áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường.
Dựa trên cơ sở quy chuẩn môi trường, chủ đầu tư xây dựng kinh doanh và hạ tầng khu công nghiệp xây dựng nội quy cụ thể về nước thải, khí thải, chất thải rắn áp dụng cho các khách hàng trong khu công nghiệp.
Các doanh nghiệp thuê đất tại khu công nghiệp đều phải tuân thủ các quy định về xử lý nước thải sơ bộ. Tại các tuyến cống thu gom nước thải từ các nhà đầu tư, cần có các giếng thăm cho phép tiếp cận và lấy mẫu, quan trắc lưu lượng và chất lượng nước thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp. Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần thỏa thuận rõ ràng với các chủ đầu tư: về chất lượng nước đầu vào trạm xử lý nước thải, các biện pháp kiểm tra, xử lý sự cố.
Các doanh nghiệp định kỳ báo cáo kết quả quan trắc kiểm soát chất lượng nước thải, khí thải, tình hình quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại cho cơ quan quản lý môi trường địa phương và gửi báo cáo cho đơn vị quản lý hạ tầng khu công nghiệp. Tiến hành kiểm tra định kỳ 2 lần/năm toàn bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của các doanh nghiệp, để có thông tin và đưa ra các giải pháp xử lý thiết thực.
Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp cần có nguồn phát điện dự phòng. Trạm cần được thiết kế, xây dựng, vận hành với đầy đủ các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố. Quản lý, giám sát chặt chẽ, phát hiện, ứng phó tại chỗ và và thông báo kịp thời cho các đơn vị chức năng (Chi cục Bảo vệ môi trường, Cảnh sát môi trường…) để phối hợp giải quyết.
Về lâu dài, cần hướng tới việc thiết kế, xây dựng trạm xử lý nước thải tiên tiến, thân thiện với môi trường và bền vững; áp dụng các biện pháp như chọn vị trí và bố trí mặt bằng các công trình hợp lý, các giải pháp thay thế Clo để khử trùng nước thải sau xử lý; quan tâm đặc biệt đến việc xử lý và thải bỏ bùn, tái sử dụng/tuần hoàn nước thải, tận dụng nhiệt và các dòng năng lượng khác trong trạm xử lý nước thải và trong khu công nghiệp; đầu tư mức cho phòng thí nghiệm hỗ trợ cho vận hành và kiểm soát xử lý nước thải; chú trọng đến việc chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp nhận và vận hành trạm xử lý nước thải…
Nhìn rộng hơn, các giải pháp quản lý nước thải cần được xem xét, lồng ghép với các biện pháp quy hoạch, xây dựng, tổ chức quản lý khai thác toàn bộ khu công nghiệp.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng và của chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm. Theo dõi, thu thập thông tin thường xuyên.
Phát triển mạng lưới cộng tác viên, nhân dân phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm. Xây dựng mối quan hệ đối tác, cùng chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, đồng thời bảo vệ quyền lợi, sự công bằng của những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, bên cạnh việc kiên quyết xử lý các vi phạm.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, khắc phục những chồng chéo và những khoảng trống; xây dựng quy trình cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng cảnh sát môi trường, sự phối hợp với các cơ quan khác như Thanh tra, Chi cục Bảo vệ môi trường địa phương, các chế tài xử lý vi phạm.
Xây dựng các chương trình, dự án tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường một cách dài hạn, bài bản, có hệ thống, kết hợp với trang bị các phương tiện và thiết bị phù hợp phục vụ quan trắc ô nhiễm nước thải công nghiệp. Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quan trắc môi trường, cảnh bảo và phát hiện sự cố ô nhiễm như GIS, SCADA…
Khai thác, sử dụng dữ liệu các trạm quan trắc tự động (AMS) lắp đặt tại các khu công nghiệp theo quy định của Thông tư 08/2009-BTNMT và Thông tư 48/2011-BTNMT. Có cơ chế chia sẻ dữ liệu, khai thác hệ thống trang thiết bị và các nguồn lực quản lý môi trường của địa phương, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các doanh nghiệp và các khu công nghiệp, CCN một cách hiệu quả nhất.
Kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các doanh nghiệp về kiểm soát ô nhiễm, theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh’’.
Xây dựng bộ chỉ số các chất ô nhiễm đặc thù cho các loại hình sản xuất, cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có được thông tin xác thực về sự tuân thủ quy định và các trường hợp vi phạm, với thời gian nhanh nhất và chi phí ít nhất.
Sử dụng các chỉ thị sinh học (nhất là ở khu vực nguồn tiếp nhận nước thải), các phương pháp đánh giá nhanh, kết hợp với các phương thức quan trắc truyền thống. Bên cạnh các chỉ tiêu về nước thải, cần quan tâm đến kiểm tra xử lý mùi, tiếng ồn, bùn và chất thải rắn các loại từ trạm xử lý nước thải.
Khi kiểm tra, đánh giá hoạt động của trạm xử lý nước thải, bên cạnh việc lấy mẫu phân tích chất lượng nước một cách có hệ thống và đúng tiêu chuẩn còn có thể nhận biết thực tế hoạt động của trạm xử lý nước thải thông qua các thông số như:
(a) Sổ sách ghi chép tại Phòng thí ngiệm trong trạm xử lý nước thải, các số liệu về tiêu thụ điện, nước, hóa chất, thông tin về vận chuyển bùn, hồ sơ vận hành, kết quả quan trắc, phân tích mẫu, dữ liệu theo dõi vận hành hệ thống (nếu có) tại trạm xử lý nước thải;
(b) Quan sát các thiết bị vận hành, đo lường, điều khiển… trong trạm xử lý nước thải để có thông tin về thời gian vận hành, việc tuân thủ quy trình vận hành bảo dưỡng hệ thống, công trình và thiết bị. Quan sát màu nước thải trong các bể xử lý, nhất là bể xử lý sinh học, nồng độ bùn trong bể xử lý sinh học, mùi của nước thải…
(c) Quan sát thực tế hoạt động của máy làm khô bùn, lượng bùn phát sinh. Một trạm xử lý nước thải có công trình làm sạch sinh học hoạt động ổn định thường có lượng bùn phát sinh liên tục, với số lượng ổn định.
(d) Phối hợp với cơ quan thuế, đơn vị cung cấp nước sạch, điện, thu gom chất thải… tìm mối liên hệ giữa doanh thu, lượng điện, nước, nguyên vật liệu sử dụng, lượng sản phẩm làm ra, lượng chất thải chở đi… với lượng nước thải xả ra môi trường, làm cơ sở đối chứng, đánh giá sự xác thực báo cáo của doanh nghiệp.
PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường