Nước mắt của rừng

Kỳ 1: Tàn phá không gian thiêng của người bản địa

ThienNhien.Net – Ở rừng, có một thứ, không là gỗ quý hay động vật hiếm nhưng là “vàng ròng” thứ thiệt. Nguồn tài nguyên ấy là văn hóa rừng. Rong ruổi suối đèo nhiều vùng Tây Nguyên, nhất là phía nam của khu vực cao nguyên này cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, lại càng thấm thía thứ văn hóa rừng đã thành “máu thịt” ấy. Tài nguyên đó là không gian thiêng của các tộc người bản địa.

150113_CMT_nuocmatrung1Báu vật của rừng

BS Đặng Đình Hòa-Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng đưa tôi báo cáo đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên nguồn dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định hướng phát triển một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao” do Trung tâm Sâm và dược liệu TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Số liệu công bố: cây thuốc của Lâm Đồng có 1.247 loài, trong đó 40 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 3 loài phát hiện vùng phân bố mới, 198 loài được trồng, 1.050 loài hoang dại. Đặc biệt có 40 loài thuộc tri thức người bản địa làm thuốc chữa các bệnh về da, gãy xương, đau nhức, ho, bệnh phụ nữ và một số bệnh cụ thể như “rong kinh bổ huyết”, “viêm gan siêu vi B”, “viêm đại tràng”. Đặc biệt nữa, 50 loài có tính ưu thế, đặc hữu và mang lại giá trị kinh tế cao.

Trò chuyện với TS chuyên ngành sinh học phân tử Kim Soo Yoong đến từ Viện nghiên cứu sinh vật Hàn Quốc, ông cho biết: nguồn dược liệu của Lâm Đồng rất quan trọng, có thể chế ra được nhiều loại thuốc. Ông Kim cho rằng, Lâm Đồng là địa phương có sự đa dạng về loài lớn trên thế giới. Ví dụ, họ nhân sâm trên thế giới có 400 loài, riêng Việt Nam có 80 loài, ở Lâm Đồng có đến 50 loài. Hàn Quốc đã tiếp cận hình ảnh 200 loài dược liệu của Việt Nam. Hàn Quốc có tới 50% thuốc được bào chế từ thực vật. Ông Kim cũng tỏ ái ngại khi biết tôi là nhà báo, bởi nếu công bố lên thì sẽ không giữ được nguồn tài nguyên. “Vì ở Việt Nam việc vận chuyển cây đi rất dễ dàng chứ không như ở nước ngoài”, ông nói.

Trong những ngày qua, các cán bộ giảng dạy khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt bước đầu sưu tập loài thực vật và nấm làm dược liệu ở Lâm Đồng. Tính đến thời điểm đầu năm 2013, nhóm đã sưu tầm được hơn 200 loài cây rừng dùng ngăn ngừa bệnh ung thư, chữa các bệnh như tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, kháng khuẩn, rối loạn tiêu hóa và bao tử, khớp…; dùng làm thuốc bổ 14 loài, nhóm cho tanin 4 loài. Theo chân của già làng JaBa, người dân tộc Rắc Lây, chúng tôi vượt suối lên rừng YaHoa, Đơn Dương, Lâm Đồng. Leo được một đoạn, JaBa và ThS, phó chủ nhiệm khoa Sinh ĐH Đà Lạt Lương Văn Dũng lại dừng xác minh các loài. Cây này làm thuốc, cây này làm rau, cây này có màu vàng, kia là màu tím… Rất nhiều dược liệu làm thuốc theo tri thức dân gian được xác minh. JaBa chỉ, ThS Dũng mở máy xác định tọa độ….

150113_CMT_nuocmatrung2

Rưng rưng nước mắt

Có lẽ vì rừng có quá nhiều báu vật, nên không một cánh rừng nào thiếu bước chân người sục sạo lùng nguồn tài nguyên, đặc biệt là dược liệu. Họ chủ yếu là người bản địa, được tiếp sức quyết liệt của giới thu mua. Họ đang vô tình đánh mất văn hóa đặc sắc của mình.

Dược sĩ Dương Thọ Biên, Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng, BS Trần Danh Tài- Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng và BS Đặng Đình Hòa – Giám đốc BV Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch đều chung tâm trạng tiếc nuối, xót xa và bức xúc trước sự mất mát nguồn tài nguyên thuốc. Ông Tài cho biết: “Nguy hiểm là từ năm 1982 đến giờ việc quản lý dược liệu gần như buông lỏng”, “vừa thu mua vừa phá dược liệu”. Ông Tài còn nói, Tây Nguyên có nhiều cây cứu người, quá quý, tốt hơn thuốc nước ngoài nhưng vẫn không ít người sùng ngoại nên coi nhẹ dược liệu bản địa, giờ mất hết, “mình ngồi trên đống thuốc mà để thiên hạ dùng hết”. Giám đốc Hòa thì khẳng định: “thời buổi kinh tế thị trường, trăm hoa đua nở” nên bà con trồng rau thương phẩm thay thế cây thuốc, người dân thì “khai thác bậy bạ”, công ty thì “khai thác ồ ạt”.

Xã Lộc Lâm, Bảo Lâm, Lâm Đồng có gần 450 hộ dân, 4/5 là người Châu Mạ. Phó công an xã Đinh Văn Hồng thừa nhận gần như cả xã lên rừng kiếm thảo dược. Anh K’Lem, chị Ka Làng, anh K’Lanh kể cho tôi nhiều chuyện lên rừng. Phải đi 2 ngày, 3 đêm ngủ, có khi cả tuần, thường theo tốp 3-4 người, vào tận rừng sâu mới có. Lá “diu bông” (n’ha) chỉ kiếm được mấy lạng, nhiều nhất là 1 ký. Năm nay giá tăng lên năm chục, 300 ngàn đồng/kg. Còn “lan gấm = hoa đá” (nấm chân dài, “sệt yong dâng”) mọc gần suối K’Lem, kiếm được nhiều hơn, có người kiếm được 20 ký. Không hiểu công dụng, chỉ biết người ta mua làm thuốc thì đi lấy. Họ về bán cho ông Đô (người từ ngoài Lộc An vào “cắm bản”) hơn 20 chục năm nay. Có bao nhiêu ông Đô mua hết. Một ký “lan gấm” mua 380 ngàn đồng thời điểm cao, thấp nhất 260 ngàn. “Mấy năm trước, ông Đô mua 1-2 tấn “lan nấm”/mùa. Ở đây những sản phẩm phụ như lan, nấm, mây… “quản lý bảo vệ rừng” không cấm, chỉ cấm gỗ và thú thôi”, anh Hồng nói.

150113_CMT_nuocmatrung3

Anh Lê Văn Hạnh ở thôn 3, Quốc Oai, Đạ Tẻh, Lâm Đồng là chủ vựa lớn mua và bán thảo dược. Đang phơi “mướp gai” trên đường nhựa, anh giới thiệu ngay: “Em là chuyên nghiệp buôn hàng thuốc”. “Linh chi” còn vài tạ, chính vụ có mấy tấn. Vào nhà, anh Hạnh xách từng túi mẫu ném chất đống lên bàn: “mướp gai”, “hoàng đằng”, “nhân trần”, “thiên niên kiện”, “thảo quả”, “sa nhân”, “kim tiền thảo”, “hoài sơn”, “linh chi” các loại…Hàng của anh cung cấp cho Sài Gòn, Nha Trang, miền Tây, Hà Nội, và Trung Quốc. Chỗ nào cần thì mang đến. Khách hàng đặt cái gì là anh đi lấy cái đó, sang tận Đắk Lắc, Đắk Nông lấy nấm, “thảo quả”, “sa nhân”… Hàng của Vườn quốc gia Cát Tiên nhiều nhất là “hoàng đằng”. Đi Hà Nội có “thảo quả”, “sa nhân”, “hoàng đằng”… “Tháng 3, 4 anh đến chật cái nhà này, hàng mấy chục tấn thảo dược, chủ Hạnh kể một thôi một hồi.

150113_CMT_nuocmatrung4

Trao đổi với Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Nông Trương Văn Minh, ông cho biết tỉnh này vừa khảo sát được trên 300 loài thực vật làm thuốc. Hai năm qua, cây “mật nhân” (cây bá bệnh), “khúc khắc” (thổ phục linh), “chè dây”, “hoàng đằng”, “thiên niên kiện”,… bị khai thác ồ ạt, không quản lý. Cây thuốc bán đầy đường Đắk Nông như củi, trong đó “mật nhân” trước 50-60 ngàn/kg tươi, giờ ế, chỉ 15-16 ngàn đồng. “Người ta phát rẫy, chỗ nào nẩy chồi lên là đào, khai thác bừa bãi không ai quan tâm, không ai nhắc nhở gì cả”, ông Minh nhận xét.