ThienNhien.Net – Nếu hàng loạt đập thủy điện được xây dựng trên sông Mê Kông, không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà an ninh lương thực thế giới cũng bị đe dọa.
Ước tính thượng nguồn sông Mê Kông có khoảng 300 dự án thủy điện lớn nhỏ, trong đó khoảng 1/3 đã được triển khai. Theo dự báo của các nhà khoa học, do ở cuối nguồn của sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vận hành.
Dày đặc rào chắn nước
Sông Mê Kông chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Theo TS Chu Thái Hoành, cán bộ Viện Nghiên cứu tài nguyên nước quốc tế (IWMI), những đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào… đã và đang xây dựng sẽ giữ đến 16% tổng lưu lượng nước 475 tỉ m3/năm, ảnh hưởng 50% tổng lượng nước sông Mê Kông. Vì vậy, dòng chảy và lượng phù sa ở phía hạ lưu bị thay đổi là điều chắc chắn. Bên cạnh đó, Thái Lan, Lào và Campuchia cũng đang nỗ lực lấy nước từ sông Mê Kông để phát triển thêm 1,8 triệu ha đất nông nghiệp.
TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), cho biết từ năm 1993 đến 2012, Trung Quốc đã và đang hoàn thành 5 công trình thủy điện lớn, gồm Man Wan (Mạn Loan – công suất 1.500 MW), Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn, 1.350 MW), Jinghong (Cảnh Hồng, 1.500 MW), Gongguaqiao (Cống Quả Kiều, chưa rõ công suất), Xiaowan (Tiểu Loan, 4.200 MW). Ngoài ra, còn 3 đập khác đang trong quá trình xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Vừa qua, việc đề xuất 12 dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông đã bị nhiều tổ chức trên thế giới cảnh báo. Nếu hàng loạt đập này được xây dựng sẽ tác động xấu đến vựa lúa của Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới. Trong đó, ngoài Xayabury, Lào cũng đang chuẩn bị triển khai thêm 2 dự án thủy điện trên sông Mê Kông là PakBeng ở phía thượng lưu đập Xayabury và Don Sahong ở phía Nam Lào.
Hậu quả khôn lường
Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành do quá trình bồi đắp hàng ngàn năm của sông Mê Kông. Đây được xem là vùng đất nông nghiệp trù phú nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều rủi ro từ hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn, nước biển dâng và biến đổi khí hậu. ThS Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng: “Từ trước đến nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc xây đập, nhất là hệ thống đập liên hoàn trên một con sông mà mang lại sự phát triển bền vững cho khu vực”.
Theo nghiên cứu của Đại học Umea (Thụy Điển) và Viện Tài Nguyên thế giới (Mỹ), sinh thái của sông Dương Tử (Trung Quốc) bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi đập Tam Điệp hoàn thành. Theo ghi nhận của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trên sông Columbia, sau 80 năm kể từ khi xây đập đầu tiên, sản lượng cá di cư gần như bằng không so với hơn 20.000 tấn khai thác được hằng năm trước đó.
Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án thủy điện dòng chính sông Mê Kông” của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho thấy nếu những dự án này được xây dựng, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tổn thất rất lớn. ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “Nếu các đập này vẫn được xây dựng, có thể nói rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với sự đe dọa lớn nhất từ trước đến nay. Khi đó, không chỉ môi trường mà mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội và văn hóa cũng sẽ bị thay đổi”. Ước tính, hằng năm sẽ có từ 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị tổn thất, tương đương với khoảng 500 triệu USD đến 1 tỉ USD.
PGS-TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Dự báo, nếu mức độ bất thường của biến đổi khí hậu xảy ra cao hơn và việc phát triển thủy điện trên sông Mê Kông nhanh hơn thì khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ này, Việt Nam có thể không còn là quốc gia xuất khẩu lương thực. Khi đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có những đợt di dân lớn, đời sống kinh tế – xã hội xáo trộn mà rất khó tiên đoán”.
Nhiều đập gây hậu quả
PGS-TS Lê Anh Tuấn cho biết trên thế giới đã ghi nhận nhiều hậu quả của các đập thủy điện như đập Bản Kiều ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bị vỡ năm 1975 làm hàng loạt đập khác vỡ theo. Thảm họa này đã làm khoảng 171.000 người chết do ngập lũ, mất mùa; 11 triệu người khác mất hết nhà cửa và tài sản. Ngoài hàng triệu người mất chỗ ở, thủy điện ở Trung Quốc còn gây hiệu ứng động đất như ở Tứ Xuyên năm 2008 làm hơn 70.000 người chết.
Từ năm 1953 đến 1963, hàng chục đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mississippi (Mỹ) đã dẫn đến thiên tai hoành hành, nhiều vùng hạ lưu bị lũ lụt trầm trọng.