ThienNhien.Net – Xuất phát từ nhu cầu về nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, làm đồ gia dụng và nguồn chất đốt của người dân quá lớn, cùng với “nạn” xâm canh, xâm cư của người dân ở các xã vùng cao nên công tác bảo vệ, quản lý rừng ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Đặc biệt tại xã Huổi Só, chính quyền địa phương lại yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ; cơ quan chức năng lại bất lực trước tình trạng người dân ngang nhiên khai thác gỗ rừng trái phép đã dẫn đến thực trạng rừng dọc sông Đà ở xã này đang từng ngày, từng giờ bị xẻ thịt. Chưa bao giờ, rừng ở Huổi Só lại kêu cứu thảm thiết như lúc này.
Cơ man gỗ tại bến đò Huổi Lóng
Không thể phủ nhận, khi lòng hồ sông Đà tích nước, người dân dọc sông Đà xã Huổi Só có thêm lợi thế “trời phú” để phát triển kinh tế qua nghề đánh bắt thủy sản; nâng cao giá trị nông sản nhờ giao thông đường thủy đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu trên lòng hồ thủy điện Sơn La được phát huy. Tuy nhiên, hệ lụy “khôn lường” kéo theo đó là việc người dân ở đây tận dụng giao thông đường thủy, bến bãi dọc sông Đà để lưu chuyển, tập kết rồi vận xuất gỗ khai thác trái phép đã làm bức tranh về “nạn rút ruột rừng” ở xã Huổi Só càng đa dạng, khiến cơ quan chức năng phải “đau đầu” hơn.
Cái nắng của buổi trưa cuối tháng 12/2012 hừng hực nóng nhưng quang cảnh ở bến sông Huối Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa vẫn nhộn nhịp. Những chiếc xe máy “dã chiến” đang ồ ạt “phi mã” xuống bến. “Xe chở gỗ đến rồi,” đám trẻ nhỏ hét lên rồi mau chóng dạt sang bên đường. Nhóm phóng viên chúng tôi rời vị trí tránh nắng ở lán xưởng đóng xuồng, tức tốc ngụy trang dụng cụ tác nghiệp rồi nhanh chóng xuống bến.
Đập vào mắt chúng tôi là vô số thanh gỗ lớn vuông vức có chiều dài gần từ 3-4m, rộng khoảng 40cm, dày chừng 20-30cm ngổn ngang thành đống, nằm chồng lẫn với vô số khúc tre ngay tại bến đò, cạnh mép nước. Màu gỗ vẫn còn mới, thoảng trong gió mùi nhựa gỗ vẫn còn ngai ngái, minh chứng rằng những thanh gỗ này khai thác, sơ chế chưa lâu.
Theo quan sát sơ bộ, tại bến sông này chúng tôi kiểm đếm đã có gần 40 thanh gỗ nằm lộ diện, chưa kể một số lượng lớn thanh khác được che lấp dưới vô số thân tre. Theo một vài người dân nơi đây cho biết, số gỗ này được vận chuyển bằng xuồng máy đường sông từ nơi khác về đây một vài ngày trước.
Thời gian về chiều, bến sông Huổi Lóng càng tấp nập. Lúc này, xe máy từ con đường trong bản chạy xuống bến sông càng nhiều hơn. Tiếng động cơ gầm rú cả bến sông, cuốn theo bụi mù trên con đường xuống bến. Chúng tôi tiếp cận một nhóm ba thanh niên điều khiển xe máy về bến để vận chuyển gỗ. Những thanh gỗ được đội ngũ “cửu vạn” gần 10 người là thanh niên, trai tráng trong bản khuân vác, xếp lên xe, chằng buộc cẩn thận bằng dây thừng, dây cao su cỡ lớn. Theo quan sát, một xe máy chở được từ 3-5 thanh gỗ, một lần vận chuyển cả nhóm chở được từ 10-15 thanh gỗ.
Sau khi chằng nịt cẩn thận, tiếng gầm rú của động cơ lại vang làm náo động bến sông. Tốp xe máy này nhanh chóng mất hút vào phía bản Huổi Lóng để lại đằng sau lớp bụi mù và những ánh mắt ngước theo của nhiều người dân tộc Dao nơi đây.
Cung đường la liệt “máu” rừng
Sau hàng trăm mét “bám đuôi” nhóm chở gỗ, chúng tôi phải dừng lại ở khu vực giữa bản vì sợ bị phát hiện. Tại đây, chúng tôi bắt gặp cảnh vô số những thanh gỗ lớn, bé, dài, rộng khác nhau nằm la liệt tại một bãi đất trống. Phóng tầm mắt quan sát những ngôi nhà xung quanh, dễ dàng thấy từng đống gỗ thanh được xếp ngay ngắn dưới gầm nhà sàn của nhiều nhà dân.
Trên cung đường dài 15km ra trung tâm xã, chúng tôi bắt gặp nhiều điểm tập kết gỗ trên đường. Bất ngờ là ở chỗ, khi đi về bến Huổi Lóng, những điểm tập kết gỗ này chưa hề xuất hiện.
Điểm đầu tiên chúng tôi mục kích nằm cách bản Huổi Lóng khoảng 5km. Tại đây, xuất hiện hai đống gỗ, một đống màu đỏ au và một đống màu trắng đục với số lượng trên 100 thanh gỗ có kích thước dài chừng 3-4m, rộng khoảng 30cm, dày khoảng 30-35cm đang nằm bên mé vực thẳm. Bên mé đường còn lại, hơn 30 thanh gỗ màu đỏ au, kích thước tương tự đang nằm trải dài dưới chân núi. Quan sát khu vực đồi ngay phía trên, cả một diện tích lớn cây bụi, tràng cỏ đã bị dập nát, cày xới đã tố cáo việc số lượng gỗ này bị “lâm tặc” xẻ thịt ngay từ mảnh rừng phía trên núi cao.
Chưa đầy 20 phút phi xe máy, chúng tôi lại bắt gặp hơn 10 tấm ván gỗ có kích thước dài gần 3m, rộng trên 40cm, dày gần 2cm được chằng chịt thành ba bó, xếp dựng, dựa vào sườn đồi, bên cạnh là một chiếc xe máy với dây thừng, dây cao su vẫn còn đang được buộc phía đuôi xe.
Qua bản Pê Răng Ky khoảng 10km, chúng tôi lại bất ngờ bắt gặp một điểm tập kết gỗ mà “lâm tặc” vừa vận chuyển từ rừng ra. Tại đây gần 20 thanh gỗ vuông vức nằm la liệt bên vệ đường. Một số thanh có chiều dài gần 10m cũng đang được dựa vào vách núi ngay bên cạnh. Nhìn về phía lưng chừng núi bên đường, giữa màu xanh bạt ngàn của cây, của núi là cả một diện tích gần 20m2 bị loang lổ: Các mảnh gỗ thừa, gốc và cành cây còn nằm la liệt trên sườn đồi.
Quá trình rời bến Huổi Lóng, qua bản Pê Răng Ky chúng tôi cũng bắt gặp nhiều ngôi nhà đang dựng dở dang, vô số thanh, tấm ván gỗ dùng để làm sà, cột và thưng nhà nằm la liệt, chất đống ngay cạnh hiên nhà của dân. Ở gần trung tâm xã Huổi Só, chúng tôi cũng bắt gặp hàng chục tấm ván có kích thước dài gần 2m, rộng chừng 40-60cm, dày gần 2cm được “hong nắng” suốt chiều dài hàng chục mét trên con đường đất độc đạo vào xã.
Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã …“lực bất tòng tâm”?
Theo ông Lý A Chỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Huổi Só, nguyên nhân rừng trên địa bàn xã Huổi Só bị khai thác ồ ạt xuất phát từ nhu cầu cần gỗ làm nhà của dân lớn, do một số hộ mới tách ra ở riêng chưa có nhà nên cần gỗ để làm nhà mới, ra ở riêng.
Tuy nhiên, ông Chỉnh nói: “Những hộ tách ra chưa có nhà ở phải có cái đơn xin ở thôn, rồi thôn nhất trí cho phép làm một căn nhà mới. Thực tế là ở thôn người ta đã xác nhận đơn, thôn họp sẽ tạo điều kiện cho người ta tách hộ, làm nhà.”
Ông Chỉnh cũng cho biết xã cũng chỉ là biết chấp nhận đấy thôi chứ thủ tục làm nhà thì xã không thể làm nổi. Vì thủ tục kê khai (số lượng gỗ) làm một cái nhà thì phải là phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện mới làm được. Cái khó trong công tác bảo vệ rừng ở xã Huổi Só trước tình trạng dân ồ ạt đi khai thác gỗ làm nhà, theo ông Chính, xuất phát từ chính người dân vì trình độ hiểu biết của họ còn hạn chế.
Giải thích về việc hình thành, tồn tại thực trạng gỗ tràn lan trên bến gỗ Huổi Lóng, ông Chỉnh cho biết trường hợp không làm nhà, hoặc người dân sẽ làm chuồng lợn, chuồng trâu, họ sẽ vận chuyển gỗ bằng đường sông Đà để cho tiện, vì không có đường xe trên cạn.
Theo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa, chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ đã được huyện kết thúc vào tháng 12/2010. Toàn huyện đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 1.299 căn nhà gỗ cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện đúng theo tiêu chuẩn ba cứng (khung, nền, mái đều cứng) đã đề ra với tổng số kinh phí hỗ trợ lên đến trên 40 tỷ đồng.
Ông Lý A Chỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Huổi Só cũng cho biết từ năm 2010 đến nay trên xã Huổi Só không còn triển khai dự án làm nhà 167 cho hộ nghèo trên địa bàn nữa. Chương trình làm nhà 167 trên địa bàn kết thúc, toàn xã có 47 hộ được thụ hưởng chương trình này.
Làm việc với lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa, phóng viên rất bất ngờ khi lực lượng chức năng lại không hề hay biết gì về tình trạng rừng ở Huổi Só đang bị tàn phá. Chỉ tới khi được xem lại những hình ảnh mà phóng viên ghi lại trong quá trình tác nghiệp tại bến sông Huổi Lóng, các cán bộ kiểm lâm ở đây mới sốt sắng gọi điện thoại cho kiểm lâm “cắm” địa bàn…
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, phụ trách Hạt, thực trạng này chưa thể so sánh với những nơi khác trên địa bàn về quy mô, mức độ tàn phá. Ông nói: “Chỗ này chưa ăn thua gì đâu, chưa là gì, tôi đi ba ngày còn “quét” được hơn 10m3 gỗ nghiến ở xã Tủa Thàng về…”
Trước băn khoăn về những giải pháp để bảo vệ rừng ở Huổi Só của chúng tôi, ông Hải cho biết: “Khó lắm. Anh em chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi… Nếu huyện không chỉ đạo cương quyết thì kiểm lâm cũng bất lực thôi…”
Nguyên nhân những cánh rừng giữ nước cho lòng hồ sông Đà thuộc địa bàn xã Huổi Só bị tàn phá đã rõ. Đằng sau thực trạng rừng bị tàn phá đó còn có vô vàn những nghi vấn mà chúng tôi thắc mắc: “Rừng ở địa bàn xã Huổi Só có thể tồn tại được trong khoảng bao lâu nữa?”.