Thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

ThienNhien.Net – Đây là nội dung cuộc Tọa đàm do Nhóm Công tác Nông nghiệp bền vững và Quản lý Tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam thuộc Tổ chức phi chính phủ quốc tế (VUFO-NGO Resource Centre) tổ chức chiều 11/01 tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Theo phân tích của PGS.TS Ngô Xuân Bình, Trưởng khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, do bùng nổ dân số toàn cầu dẫn đến nhu cầu gia tăng về lương thực và gia tăng về cây phi lương thực. Tính đến năm 2020, thực phẩm có nguồn gốc động vật sẽ phải tăng tới 58% so với hiện nay nên mỗi năm thế giới cần thêm 320 triệu tấn hạt ngũ cốc làm thức ăn cho gia súc. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã chuyển từ “cuộc cách mạng xanh” sang “cuộc cách mạng gen” bởi tất cả các nghiên cứu chuyên môn về “công thức” lương thực-dân số đều kết luận rằng, cần phải có các công nghệ tiên tiến, gồm cả công nghệ sinh học để có thể đáp ứng nhu cầu tương lai về sản lượng nông nghiệp. Bởi vậy, việc lai tạo giống cây trồng cũng như các kỹ thuật di truyền rất quan trọng để tăng sản lượng.

Ngô biến đổi gen được trồng tại Đồng Nai (Ảnh: kinhtenongthon.com.vn)
Ngô biến đổi gen được trồng tại Đồng Nai (Ảnh: kinhtenongthon.com.vn)

Cây trồng biến đổi gen (GMO) hay còn gọi là cây trồng công nghệ sinh học kháng được sâu hại nên giảm lượng thuốc trừ sâu, giúp cho sức khoẻ người nông dân được cải thiện, đồng thời chịu được thuốc diệt cỏ nên canh tác không cần làm đất, giảm bớt sự phụ thuộc giữa năng suất cây trồng với độ phì của đất. Chính vì vậy, tính đến năm 2011 đã có 29 quốc gia, trong đó có 19 nước đang phát triển trồng cây biến đổi gen với diện tích 160 triệu ha, tăng gấp 94 lần so với năm 1996.

Song theo báo cáo của TS. Đào Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO), thực phẩm biến đổi gen đã và đang là chủ đề tranh luận xã hội trên toàn thế giới, nhiều nhà khoa học bày tỏ mối lo ngại của một số cây trồng biến đổi gen ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người. Tại Châu Âu, việc ghi rõ rằng đây là thực phẩm GMO trên từng sản phẩm là việc bắt buộc. Còn tại nước Pháp, thực phẩm hoặc đậu nành làm thức ăn gia súc không dùng công nghệ sinh học sẽ được ghi trên bao bì là “không GMO”.

Từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết số 18 về Chiến lược phát triển công nghệ sinh học đến năm 2010. Tiếp đó là Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/1/2006 phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Tới nay việc nghiên cứu về cây trồng trồng công nghệ sinh học ở nước ta mới được thực hiện ở phòng thí nghiệm và thử nghiệm thực địa, với 3 cây ưu tiên là ngô, bông và cây đậu tương.

Các nhà khoa học tham dự cuộc Toạ đàm cho rằng vì các nghiên cứu về GMO chưa đầy đủ cả trên phạm vi quốc tế, mặt khác cũng chưa thể kết luận để bác bỏ hoàn toàn thực phẩm GMO nên cần tiếp tục nghiên cứu với sự tài trợ của Chính phủ về công nghệ GMO, để Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ, tránh lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu dài hạn về tác động đến sức khoẻ con người là hết sức cần thiết trên phương diện an toàn thực phẩm, cần được thực hiện một cách độc lập. Phải có một chính sách dân chủ về áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới, thông qua việc công khai hoá các kết quả nghiên cứu khoa học, trên các khía cạnh khác nhau về GMO cho người sản xuất và tiêu dùng vì các mối rủi ro thật sự vẫn còn tiềm ẩn. Việt Nam cũng cần sớm xây dựng khung pháp lý đánh giá tác động của GMO đối với môi trường, đặc biệt là đối với sức khoẻ con người.