ThienNhien.Net – Ứng phó với BĐKH cần nguồn tài chính rất lớn đầu tư cho hai loại hoạt động chính là giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Giảm nhẹ là những hoạt động dẫn tới giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, bao gồm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng (giao thông, thiết kế tòa nhà, thành phố…), giảm chất thải và tăng mức độ loại bỏ carbon ra khỏi khí quyển…
Thích ứng là những hoạt động để con người, xã hội thích nghi với biến đổi khí hậu, bao gồm thay đổi mùa vụ, thủy lợi, xây dựng đê kè ngăn nước biển, di dân khỏi các vùng thấp… Đây là đầu tư mang tính dài hạn. Do vậy, nếu được tính đến ngay giai đoạn đầu, chi phí cho thích ứng với BĐKH sẽ giảm rất nhiều so với điều chỉnh sau khi xây dựng.
Theo báo cáo do tổ chức phi chính phủ DARA có trụ sở tại Châu Âu công bố năm 2012, đến năm 2030, nếu tình hình biến đổi khí hậu không thay đổi, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 3,2% GDP. DARA cũng ước tính chi phí chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trên quy mô toàn cầu là 0,5% GDP trong giai đoạn 2010 – 2020.
Nhận thức được nguy cơ và cũng là thể hiện quan điểm phát triển bền vững, Việt Nam đã hệ thống cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách tương đối đầy đủ cho ứng phó với BĐKH như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược phát triển xanh, Kế hoạch hành động quốc gia, Chương trình khoa học công nghệ về BĐKH, Kịch bản BĐKH…
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số những nước chịu tác động rất lớn của BĐKH, do đó, nhu cầu tài chính đầu tư cho ứng phó BĐKH là thách thức rất lớn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ và năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế.
Để ứng phó với BĐKH, Việt Nam sẽ cần rất nhiều công nghệ và thiết bị mới từ nước ngoài để phục vụ nghiên cứu, thay thế và chuyển đổi sản xuất và đời sống.
Trên thực tế, chỉ riêng kinh phí để thực hiện các hoạt động trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2009 -2015, chưa tính đầu tư hạ tầng đã rất tốn kém. Theo TS Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm KHCN Khí tượng thủy văn và Môi trường, số tiền này lên tới gần 2.000 tỷ đồng và vẫn chưa tính kinh phí triển khai chương trình hành động của các Bộ, ngành và địa phương.
Do đó, trong điều kiện hiện nay, để ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần tới nguồn lực quốc tế, bao gồm vốn, công nghệ và kinh nghiệm, nhất là Việt Nam bước vào giai đoạn hành động theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH.
Trong thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong linh vực hợp tác quốc tế liên quan đến BĐKH. Riêng năm 2012, một loạt nước đã cam kết cung cấp tài trợ cho Việt Nam ứng phó với BĐKH như Mỹ (trên 40 triệu USD), Đức (180 triệu USD), Ngân hàng Thế giới (70 triệu USD), Australia (15 triệu AUD), Nauy (4,5 triệu USD)… Trong giai đoạn trước đó, các nhà tài trợ lớn như Pháp (342 triệu USD), Đan Mạch (40 triệu USD).
Trong khi đó, tiềm năng huy động nguồn tài chính quốc tế cho ứng phó BĐKH còn rất lớn, ước tính có giá trị hàng trăm tỷ USD mỗi năm thông qua các quỹ toàn cầu như Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ Thích ứng, Quỹ Xanh. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH cũng xác định hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để tạo nguồn tài chính cho ứng phó với BĐKH, đào tạo nhân lực và cơ chế để “đón” các nguồn quỹ này.
Mặc dù rất tốn kém nhưng đầu tư cho ứng phó với BĐKH cũng mở cơ hội cho nhiều ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là công nghệ và đầu tư hạ tầng. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu tác động của BĐKH Postdam (Đức), vào năm 2020, nếu EU cắt giảm 30% khí nhà kính so với năm 1990, sẽ tạo thêm 6 triệu việc làm, tăng đầu tư 19-22%, tăng GDP thêm 6%.
Ngoài ra, ứng phó với BĐKH không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà còn là cuộc chiến liên quan rất lợi thế thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển. Sau thất bại của Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2011 (COP 17) tại Durban (Nam Phi), thế giới hình thành chính sách giảm khí phát thải, dẫn tới các rào cản thương mại mới.
Cụ thể, EU, Mỹ, Australia đưa ra các loại thuế carbon. Do vậỵ, đây cũng là thách thức đặt ra với Việt Nam do chưa đủ tiềm lực công nghệ và tài chính để sản xuất hàng hóa để vượt được các rào cản này.
Các nước phát triển sử dụng “hàng rào carbon” để giải quyết ưu thế so sánh về giá hàng hóa của các nước đang phát triển, qua đó buộc các nước sản xuất hàng hóa phải chấp nhận giá định sẵn.