ThienNhien.Net – Đã từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống xung quanh Nhà máy đường Sông Con và Nhà máy sản xuất phân vi sinh (thuộc Công ty Cổ phần mía đường sông Con) phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do quá trình sản xuất gây ra.
Mới đến đầu thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), ghi nhận đầu tiên là cột khói đen kịt cao đến hàng trăm mét bốc lên từ phía bờ sông Con, hỏi ra mới biết đó là khói thải của Nhà máy đường Sông Con. Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân tại khối 5, thị trấn Lạt thì bụi bặm từ khói thải của Nhà máy khiến cho cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Trần Thị Lan, ở khối 5, thị trấn Lạt bức xúc: “Hôm nay còn đỡ chứ mấy ngày trước thời tiết âm u hoặc mưa phùn khói bụi bao phủ cả khu dân cư. Cứ qua một đêm là mọi đồ đạc trong nhà dính đầy bụi bặm”.
Theo chỉ dẫn của bà Lan, chúng tôi đi về phía bờ sông Con, nơi mà người dân phản ánh là xả thải trực tiếp của nhà máy này. Đi tắt ngang qua khu vực tập kết mùn màu đen của nhà máy này (nguyên liệu làm phân vi sinh), quan sát của phóng viên là hai hồ nước đen kịt, nổi bọt và váng màu nâu, bốc mùi hôi khó chịu. Ngay cuối chiếc hồ thứ hai là một cống xả nước thải thẳng ra sông Con. Nước thải chảy với lưu lượng rất lớn qua một cống có đường kính chừng 20-30cm qua kè rồi chảy thẳng ra sông Con khiến cho một đoạn dài con sông này chuyển thành màu đen.
Anh Nguyễn Văn Tân, ở xã Kỳ Phong đang chăn thả trâu gần đó cho biết: “Hiện tượng xả nước thải đen kịt và có mùi hôi thối ra sông Con đã diễn ra từ nhiều năm nay. Chúng tôi đã có phản ánh nhiều lần với các cơ quan chức năng nhưng chẳng thấy ai đoán hoài gì cả. Khổ nhất là các hộ dân ở dưới xóm Tiền Phong, xã Kỳ Sơn khi phải hứng nguồn nước thải và mùi hôi từ nước thải của nhà máy đường và khu vực làm phân vi sinh”.
Cũng theo quan sát, khu vực tập kết và xử lý nước thải của nhà máy đường là những hố đất được đào đắp rất sơ sài chứ không được láng lát bằng bê tông kiên cố. Mặt khác, hố xử lý chất thải này của nhà máy không hề có nắp hay bạt che nên mỗi khi có gió đông thổi là mùi hôi thối bao quanh khu vực khối 5 thị trấn Lạt khiến cho hàng trăm hộ dân nơi đây luôn sống trong cảnh ô nhiễm.
Theo phản ánh của người dân xã Kỳ Sơn, khu vực nhà máy làm phân vi sinh của đơn vị này cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Mặt khác, do nguồn nước thải tích tụ lâu ngày đã khiến nguồn nước ngầm khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại với ông Lê Đình Hoan, Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sông Con để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng lãnh đạo đơn vị này không nghe máy!?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: “Vấn đề môi trường của Nhà máy đường Sông Con trước đây người dân phản ánh nhiều lắm. Việc nhà máy xả nước thải trực tiếp ra sông là không thể chấp nhận được, nếu đúng như hình ảnh trong đoạn phim nhà báo cung cấp thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm. Nhưng cũng phải nói thêm rằng nhà máy này thuộc cấp tỉnh quản lý nên việc kiểm tra xử lý của huyện cũng hết sức khó khăn!”.
Được biết, mới đây nhất là ngày 17/8/2012, đoàn kiểm tra theo quyết định số 229/QĐ-TNMT.MT ngày 28/6/2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra vấn đề môi trường của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con. Ngày 6/9/2012, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của đơn vị này với số tiền 10 triệu đồng về hành vi: “…Vận hành công trình xử lý khí thải đã bị điều chỉnh, thay đổi so với các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường mà không có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…”.
Xem ra mức xử phạt trên của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe đơn vị này. Mặt khác, những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con như xả nước thải trực tiếp ra sông, ra môi trường xung quanh, gây mùi hôi thối, khói bụi… vẫn chưa được cơ quan chức năng phát hiện xử lý.