ThienNhien.Net – Cuộc họp tổng kết công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBVR) năm 2012 tại UBND tỉnh Đắk Lắk nóng bỏng bởi tình hình phá rừng vẫn đang diễn ra khắp nơi, đủ loại lâm tặc địa tặc lộng hành.
Cuộc rượt đuổi giữa rừng khuya
Từ huyện Ea Súp lên tỉnh phải vượt qua 100 cây số nhiều đoạn mặt đường vỡ nát, nên trước 5h sáng ngày 8/1/2013 ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch huyện cùng phó công an huyện đã khởi hành để kịp dự khai mạc cuộc họp QLBVR lúc 7h30, rốt cục vẫn suýt trễ.
Được phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết chủ trì cuộc họp mời phát biểu đầu tiên, ông kể: Xe tôi đang chạy giữa đường rừng tỉnh lộ 1 thì phát hiện một xe tải chở gỗ lậu, tôi giục tài xế vượt lên chặn lại, lập tức có 2 xe con xuất hiện cản đường cho xe tải bỏ chạy.
Giữa rừng điện thoại không có sóng, họ kia đông người nên chúng tôi đành chạy thẳng ra Buôn Đôn báo số xe chở gỗ cho công an chốt chặn, nhưng cả 3 xe đã biến mất.
Ea Súp là địa bàn nóng nhất chuyện phá rừng trong 15 huyện thành toàn tỉnh Đắk Lắk. Với gần 5.000 hộ dân di cư tự do chưa có hộ khẩu, trong năm qua các xã lan tràn nạn khai thác trụ tiêu, lấn chiếm đất rừng sang nhượng trái phép, các băng nhóm lâm tặc địa tặc thường xuyên đâm chém ẩu đả. Có những vạt rừng bị họ dùng cưa xăng, máy xúc mỗi đêm ủi lấn đến 2-3 ha.
Trong hơn 2 vạn hecta đất và rừng huyện Ea Súp đã giao cho 23 doanh nghiệp triển khai 25 dự án QLBVR, trồng cao su, trồng bông vải, nhiều diện tích rừng tiếp tục bị phá dữ dội vì lực lượng bảo vệ của các DN quá mỏng. Trong đó, khu vực bị phá nhiều nhất là rừng giao cho các nhóm hộ, cho xã, cho các công ty lâm nghiệp. Chỉ riêng năm 2012 huyện đã xử lý trên 300 vụ phá rừng, phạt hành chính gần 5 tỷ đồng, 1 lâm tặc lãnh án 8 năm tù giam…
Đủ loại xe độ chở gỗ lậu
Ông Hoàng Văn Xuân, Phó giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn – nơi rừng chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của huyện Buôn Đôn cho rằng diện tích rừng bị phá theo báo cáo của Sở NN&PTNT sở dĩ giảm hẳn vì chưa cộng hết, trong đó còn thiếu số liệu của VQG Yok Đôn.
Riêng trong năm 2012, theo ông Xuân, tổng số vụ vi phạm lâm luật mà Vườn xử lý được đã 592 vụ, thu trên 500m3 gỗ, trong đó hơn 200 m3 gỗ quý hiếm.
Quanh vùng đệm VQG, nhan nhản các loại xe độ chế hình thù quái dị mà nhìn qua ai cũng biết tỏng để chở gỗ lậu: xe đạp độ nan hoa to bằng điếu thuốc lá, xe cải tiến bánh cực to chở được cả khối gỗ, xe máy độ bằng cách hàn thêm sắt phi 16, phi 14 kẹp vào khung xe, rồi thuyền máy do lâm tặc ngoài phố đầu tư vào buôn Đrăng Phôk xui đồng bào phá rừng để mua gỗ… Trong năm, nhiều vụ kiểm lâm vườn bị lâm tặc tấn công phải cấp cứu.
Với trên 257 km cửa rừng, chỗ nào lơi lỏng lâm tặc cũng xâm nhập được nên dù chịu sự quản lý của trung ương, khi đụng chuyện Vườn chỉ biết kêu huyện tỉnh cấp cứu. Có đồng bào bị bắt chở gỗ lậu, nói thẳng: Mỗi năm cực khổ làm 1 ha ruộng chỉ bằng công sá vài ngày làm thuê cho lâm tặc, khó bỏ lắm!
Không thể thỏa hiệp
Qua cách trình bày của từng cán bộ, cử tọa không khó nhận ra ông nào đang quyết liệt bảo vệ rừng, ông nào có vẻ “tình thương mến thương”, thỏa hiệp với các loại tặc.
Cán bộ huyện Krông Buk đề nghị lãnh đạo tỉnh thông cảm đồng ý chia hàng trăm hecta đất rừng thông bị phá dọc quốc lộ 14 cho những người xin tách hộ. Còn cán bộ huyện Ea H’Leo cố thuyết phục tỉnh chấp nhận “sự đã rồi” trong việc sang bán dự án, lén trồng cà phê thay vì trồng rừng của chủ dự án Lộc Phát.
Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN& PTNT cho biết: Kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4, riêng Sở đã có 2 phó giám đốc xin từ chức vì QLBVR kém hiệu quả, trước đó 1 phó giám đốc Sở đã bị kỷ luật.
Để quét sạch các xưởng mộc trái phép trên địa bàn, sắp tới Sở sẽ luân chuyển khoảng 50 cán bộ kiểm lâm có vấn đề. Việc phá rừng thông Ea H’leo, Krông Buk phải xử nghiêm những kẻ cầm đầu, không có chuyện rừng phá xong đề nghị tỉnh cho chia chác, tạo tiền lệ nguy hiểm để nhiều nơi khác noi theo.
Người chủ trì cuộc họp gay gắt hỏi: Khi kết thúc chương trình 134 chia đất cho đồng bào, bao nhiêu ông nhận bằng khen sao giờ đụng đâu cũng kêu đồng bào thiếu đất? Tiền nong, lực lượng, phương tiện, gì cũng có sao không ngăn được nạn phá rừng? Rõ ràng là thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực! Tôi tuyên bố: Tịch thu hết các dự án nông lâm cố ý làm trái, không đền bù.
Mọi dạng đất rừng bị phá phải thu hồi hết bán đấu giá công khai, nhùng nhằng thỏa hiệp là gây rối xã hội! Ngành công an phải mở chuyên án làm rõ chân tướng bọn giấu mặt đang điều hành các đường dây phá rừng.
Ngành tòa án sẽ được tỉnh hỗ trợ xử lưu động công khai để răn đe giáo dục tại chỗ. Riêng đoàn công tác liên ngành của tỉnh ưu tiên tập trung về Buôn Đôn, Ea Súp truy quét sạch các điểm nóng về phá rừng, không để lâm tặc địa tặc lộng hành nhân dịp tết.