ThienNhien.Net – Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai ngừng hoạt động khiến không ít KCN trở nên hoang vắng.
Khu công nghiệp có… 1 doanh nghiệp
KCN Suối Tre (thị xã Long Khánh) với diện tích 149,5 ha được thành lập tháng 3/2012. Đây là KCN mới nhất được thành lập ở tỉnh Đồng Nai, nâng diện tích đất KCN lên hơn 9.724 ha.
Ngoài một số ít KCN ở TP Biên Hòa, Long Thành, đạt tỷ lệ cho thuê khoảng 80% diện tích đất, còn lại hầu hết các KCN đang rơi vào cảnh đìu hiu.
KCN Long Khánh có diện tích 264 ha được thành lập năm 2008 nhưng đến nay vẫn chỉ có 1 doanh nghiệp chế biến gỗ vào thuê đất với diện tích hơn 6 ha đất. Gần đó là KCN Xuân Lộc được thành lập từ năm 2006 nhưng đến nay cũng chỉ có 1 doanh nghiệp thuê đất.
Tương tự, KCN Tân Phú tại huyện miền núi Tân Phú được thành lập năm 2007 cũng chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư.
Một KCN khác ở huyện miền núi Định Quán được thành lập là KCN Định Quán (54ha) được thành lập từ năm 2004, được báo cáo đã lấp đầy diện tích với 13 doanh nghiệp vào đầu tư.
Tuy nhiên hiện nay KCN được xem là sầm uất nhất trong các KCN kể trên cũng đang rơi vào cảnh hắt hiu chợ chiều khi nhiều công ty đóng cửa.
Có công ty sản xuất thức ăn gia súc, ban đầu có 50 công nhân, nhưng nay teo tóp chỉ còn 5 người, kể cả quản lý. Nhiều khu nhà xưởng thành nhà hoang, cỏ mọc um tùm bít lối ra vào.
Sự hoang vắng đến nỗi một căn nhà của doanh nghiệp đã bị ai đó đục tường tháo đi các cánh, khung cửa. KCN vắng bóng công nhân nên mặt đường nội bộ khu được người dân trong vùng tận dụng làm sân phơi sắn.
Nhiều KCN ở Nhơn Trạch, Trảng Bom… đang trở thành những cánh đồng trồng sắn, trồng mía bạt ngàn khi diện tích đất trống được tận dụng cho nông dân thuê lại để trồng sắn, mía.
Nhiều diện tích đất KCN đang trở thành đất hoang làm bãi chăn thả trâu bò khiến cho diện tích đất đai lớn đến hàng triệu mét vuông bị lãng phí lớn.
Hàng loạt doanh nghiệp rơi rụng
Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, đến nay tỉnh đã có 75dự án FDI ngưng hoạt động với tổng vốn đăng ký là 292,04 triệu USD và 72 dự án của doanh nghiệp trong nước chưa triển khai xây dựng với vốn đăng ký hơn 7.100 tỷ đồng.
Lý do các doanh nghiệp chấm dứt hoạt động là do kinh doanh không hiệu quả, không có khách hàng, khó khăn về vốn, chủ doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh; các chi nhánh, văn phòng đại diện giải thể do sắp xếp lại hoạt động của công ty chính.
Trong số các doanh nghiệp ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp FDI đã “mất tích” một cách lặng lẽ đã để lại hệ lụy cho các ngành chức năng. Đến nay có 42 doanh nghiệp FDI được xem là đã bỏ trốn để lại các khoản nợ cho ngân hàng và ngành thuế, bảo hiểm xã hội đến hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan quản lý thì không thể làm thủ tục để xóa tên doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy khi chủ nợ khởi kiện ra tòa án, cơ quan thi hành án thực hiện đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án thì gặp trở ngại là pháp nhân của doanh nghiệp chưa được xử lý, người trúng đấu giá tài sản không thực hiện được thủ tục xác nhận tài sản trên đất và đăng ký đầu tư tại vị trí của doanh nghiệp vắng chủ.
Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, trong tình cảnh ấy họ không thể liên lạc được với người đại diện doanh nghiệp, biện pháp cuối cùng là đành đưa vào danh sách doanh nghiệp vắng chủ chờ xử lý. Không ít diện tích đất, nhà xưởng trong các KCN đành phải “treo” theo các doanh nghiệp vắng chủ.