Những kỷ lục về môi trường – biển đảo Việt Nam

ThienNhien.Net – Năng lượng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nước trên thế giới. Các cuộc chiến tranh diễn ra một phần cũng vì năng lượng. Việt Nam – một đất nước giàu tài nguyên đã có những bước chuyển mình để biến nguồn nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên thành năng lượng phục vụ đời sống góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Kỷ lục về môi trường – năng lượng

1. Nhà máy chế biến rác thải nilon thành dầu đầu tiên tại Việt Nam

090113_TT_NhungkylucvemoitruongbiendaoVietNam1
Xử lý tái chế nilon phế thải thành dầu đốt công nghiệp được áp dụng đầu tiên tại Việt Nam

Nhà máy được xây dựng tại bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Dự án nhà máy xử lý rác thải tại Đà Nẵng có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 120 tỷ và giai đoạn 2 là 400 tỷ. Cụ thể giai đoạn 1 tập trung vào công nghệ tái chế rác thải rắn (nilon) thành dầu, giai đoạn 2 tái chế rác thải hữu cơ, rác thải xây dựng thành gạch không nung, than sinh học.

Ngày 20/4/2012, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và cho ra sản phẩm dầu công nghiệp được tái chế hoàn toàn từ nilon. Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn tiếp nhận 650 tấn rác thải. Trong đó có 8% là túi nilon tương đương với 50 tấn.

Theo tính toán của Công ty Cổ Phần Môi trường Việt Nam, cứ 3 tấn túi nilon được tái chế thành 1 tấn dầu PO và RO. Lượng rác thải còn lại ngoài bao nilon sẽ được tái chế thành gạch xây dựng không nung, than sinh học… Với tỷ lệ 8% nilon có trong 650 tấn rác thải hàng ngày trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhà máy có thể sản xuất ra khoảng 17 tấn dầu PO và RO trong 1 ngày.

Đây là công nghệ xử lý tái chế nilon phế thải thành dầu đốt công nghiệp được áp dụng đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ áp dụng phương pháp nhiệt phân có điều kiện để tái tạo thành phần khó phân hủy như hỗn hợp phế thải dẻo, cao su… có trong chất thải rắn sinh hoạt tạo thành nguồn nhiên liệu đốt (dầu PO) phục vụ cho đời sống và sản xuất đạt tiêu chí xã hội hóa ngành môi trường.

2. Hệ thống điện năng lượng mặt trời đang hoạt động có quy mô lớn nhất

Hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam đặt tại Khu Công nghệ cao, quận 9, TP. HCM, đã được khánh thành vào ngày 23/4/2012. Đây là hệ thống năng lượng điện mặt trời, còn gọi là năng lượng sạch và xanh lớn nhất tại Việt Nam và cũng là hệ thống điện mặt trời đầu tiên của Intel tại châu Á.

Hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam
Hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam

Hệ thống điện mặt trời hoạt động trên tổng diện tích 3.270m2, được làm từ 1.092 tấm pin năng lượng mặt trời cùng 21 bộ biến điện được kết nối với nhau bởi hơn 10.000m dây cáp DC, 4.000m dây cáp chịu lực và 50.000kg ba-lat. Dự án có sự tham gia của hơn 30 kỹ sư về năng lượng mặt trời với tổng cộng 5.000 giờ lao động bao gồm cả thiết kế và lắp đặt.

Dự án hiện có khả năng phát được khoảng 321.000Kwh điện và hạn chế tới 221.300kg lượng khí CO2 thải ra hàng năm, tương đương với số khí CO2 thải ra từ 610 chiếc xe máy lưu hành trên đường phố TP.HCM trong 1 năm.

3. Nhà máy điện gió lớn nhất

Nhà máy điện gió đóng tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thuộc Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Việt Nam (REVN), khởi công xây dựng vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2011, với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động
Nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động

Đây là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động, có quy mô lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Máy móc thiết bị chính gồm 20 turbine gió loại FL MD – 77 của hãng Fuhrlaender (Cộng hòa liên bang Đức), công suất 1,5 Mw/turbine; sải cánh quay: 77m; chiều cao cột tháp tua bin: 85m. Tổng công suất nhà máy 30MW.

Hiện nhà máy đã vận hành an toàn lên lưới điện quốc gia hơn 90 triệu KWh, đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính 50.000 tấn CO2/năm.

Kỷ lục về biển đảo

4. Lá cờ Tổ quốc Việt Nam bằng chất liệu gốm lớn nhất

Các họa sĩ và thợ gắn gốm đã tạo hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam
Các họa sĩ và thợ gắn gốm đã tạo hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam

Các họa sĩ và thợ gắn gốm đã tạo hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam có kích thước 12,4 x 25m, diện tích 310m2, nặng 3,5 tấn, ghép từ 310.000 viên gốm mosaic (kích thước mỗi viên 3x3cm) đảm bảo chịu được nắng mưa, độ mặn của muối biển và không bay màu, được khánh thành vào sáng ngày 6/6/2012 tại đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa).

5. Bức tranh kết cườm cột chủ quyền huyện đảo Trường Sa lớn nhất

Bức tranh kết bằng hạt cườm Cột chủ quyền huyện đảo Trường Sa
Bức tranh kết bằng hạt cườm Cột chủ quyền huyện đảo Trường Sa

Nội dung bố cục bức tranh gồm: Cột chủ quyền Trường Sa cao 5m có dòng chữ nổi: CHXHCN VIỆT NAM – ở giữa là Cờ tổ quốc Việt Nam – dưới lá cờ là chữ: Đảo Trường Sa – Vĩ độ, Kinh độ. Phía bên trái Cột chủ quyền là Bản đồ Việt Nam (màu đỏ), phía bên phải là khẩu hiệu: Tất cả vì Trường Sa thân yêu. Bức tranh kết bằng hạt cườm Cột chủ quyền huyện đảo Trường Sa có chiều cao 5m, rộng 4m được kết từ hơn 100.000 hạt cườm nhiều màu được kết dính trên một tấm vải đặc biệt.

Bức tranh được bán đấu giá để xây dựng quỹ “Góp đá xây dựng Trường Sa”.

6. Quần đảo Trường Sa – quần đảo xa bờ nhất

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm giữa biển Đông về phía Đông Nam nước ta, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3 km2, được chia làm 8 cụm là Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên.

Quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ
Quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải).

Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo và tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Chính vì vậy, từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.

7. Người có bộ sưu tập bản đồ nhiều nhất

Người đạt danh hiệu này là nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Hiện số bản đồ mà ông có trong tay lên đến hơn 3.000 tấm. Có tấm được vẽ từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), có tấm do Alexandre de Rhodes vẽ trong thời gian ông đến Việt Nam (thế kỷ XVII), hay Đại Nam nhất thống toàn đồ (1842), An Nam đại quốc họa đồ (1838)…

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu có trong tay lên đến hơn 3.000 tấm bản đồ
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu có trong tay  hơn 3.000 tấm bản đồ

Ông còn có tập bản đồ rất giá trị về Bán đảo Đông Dương gồm hơn 300 tấm do người Pháp vẽ năm 1909, trên mỗi tấm đều ghi chi tiết tên xóm, làng của ba nước Đông Dương. Để có được bộ sưu tập giá trị như thế, ông đã phải vào kho lưu trữ của Paris, những tiệm sách cũ trong nước để tìm kiếm và sưu tập trong ngót hơn nửa thế kỷ qua.