ThienNhien.Net -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi vì sao làm được kết quả 4 năm trước là 3.500 ha mà nay chỉ có 182 ha.
Vấn đề bảo vệ, phát triển rừng ở Đắk Lắk đang trở nên rất nóng bỏng. Chính quyền ở một số huyện, xã tỏ ra đuối sức với nhiệm vụ này; sự phối hợp của các đơn vị chức năng kém hiệu quả, còn các số liệu báo cáo thì quá chênh so với thực tế. Đây chính là điều thấy được qua Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức sáng 8/1, tại TP Buôn Ma Thuột.
Cả năm 2012, Đắk Lắk phát hiện xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm luật bảo vệ, phát triển rừng, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Tương ứng, số vụ vi phạm được đưa ra khởi tố, số lâm sản bị tịch thu cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, tại những địa bàn nóng, như huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, tình hình dường như vượt quá tầm tay của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng phá rừng động rất tinh vi và liều lĩnh, hoạt động có tổ chức và đông người, khai phá vào ban đêm , trời mưa, dùng chất độc, rồi dùng cơ giới, cưa xăng, máy múc, rất nhanh, nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Hiện tại chúng tôi cũng đã quản lý, nhưng chưa chặt, không thể xuể được.
Trong cảnh phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn ra nóng bỏng, số vụ vi phạm tăng gấp đôi, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk lại đưa ra con số thống kê rất lạc quan, đó là diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2012 chỉ ở mức 182 ha, giảm đến gần 95% so với trung bình 4 năm trước đó. Hầu như toàn bộ 14.160 ha rừng bị phá, được dồn vào khoảng thời gian từ 2008 đến 2010. Chủ trì hội nghị sáng nay, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk hoài nghi vào các con số báo cáo này, ông nhấn mạnh: “Bình quân mỗi năm về trước chúng ta bị phá hơn 3.500 ha, vậy mà năm nay chỉ bị phá hơn 182 ha thôi. Vậy thì vì sao mà chúng ta làm được kết quả này, vì sao 4 năm trước là 3.500 ha mà nay chỉ có 182 ha, đó là kết quả lớn kinh khủng lắm. Tôi đề nghị phải rà soát lại”.
Cũng hoài nghi vào các con số báo cáo, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn nêu thực tế: Chỉ riêng con số này là tôi đã thấy không đúng:Về số gỗ quý hiếm bị tịch thu, như trong báo cáo là 165 m3, nhưng thực tế thì riêng Vườn quốc gia đã là hơn 200 m3 rồi. Về tổng số vụ vi phạm năm 2012, chỉ riêng tại Vườn quốc gia đã là 592 vụ (năm 2011 chỉ 510 vụ) và toàn bộ số gỗ tịch thu là 500 m3.
Cùng với yêu cầu làm rõ thành tích giảm phá rừng 95% trong năm 2012, lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Lắc còn yêu cầu chính quyền các huyện có nhiều rừng trong tỉnh tổng rà soát tình hình dân cư, lên danh sách những người tạm trú trên địa bàn để phục vụ điều tra các đường dây phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Các ngành chức năng cũng được yêu cầu sớm lên phương án để tiến hành tổng truy quét tại hai địa bàn trọng điểm phá rừng là Ea Súp và Buôn Đôn, ngay trong tháng 1 này.