ThienNhien.Net – Dự án thủy điện Thượng Kon Tum sẽ tận diệt hơn 400 ha rừng, làm các dòng sông Đắk Snghé, Đắk Bla và Sê San bị cạn kiệt
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum khởi công từ tháng 9/2009 do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (TP Quy Nhơn – Bình Định) làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 220 MW, sản lượng điện bình quân 1.094 triệu KWh, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng.
Xóa sổ rừng phòng hộ, đất lúa
Trong số 414 ha rừng phải đốn hạ để xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum có tới 382,29 ha rừng phòng hộ. Hiện chủ đầu tư và chính quyền tỉnh Kon Tum đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích “dính” vào đất trồng lúa và rừng phòng hộ đầu nguồn.
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum có công văn gửi Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 68,76 ha đất lúa và 382,29 ha rừng phòng hộ để xây dựng thủy điện này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 382,29 ha rừng phòng hộ phải báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thúc Chân, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum, khẳng định: Dự án đã xây dựng được khoảng 15% khối lượng công việc. “Chỉ là vướng mắc do các thủ tục, cơ chế chứ đã cho đầu tư làm rồi, không có lý vì một ít rừng mà cho dừng lại” – ông Chân nói.
Ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Kon Tum lo ngại: Lưu vực hồ chứa của thủy điện Thượng Kon Tum có mật độ che phủ của thảm thực vật rừng cao nhất nước (hơn 85%), cộng với việc mưa nhiều nên nguồn nước dồi dào và ổn định. Việc tác động vào khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn khả năng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho hệ thống sông Sê San, các sông phía Đông Trường Sơn và Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen”.
Không chỉ “nuốt” rừng phòng hộ, thủy điện Thượng Kon Tum còn xóa sổ 68,76 ha đất trồng lúa nước và hơn 66 ha đất trồng cây hoa màu của khoảng 150 hộ dân xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông. Hiện có hơn 100 hộ dân phải tái định cư. Theo cam kết của nhà đầu tư, người dân sẽ được hỗ trợ nhà ở, đất tái định canh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là liệu cuộc sống của người dân có bằng nơi họ đã gắn bó từ bao đời nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng 68,76 ha đất trồng lúa nước để làm thủy điện, UBND tỉnh Kon Tum cần có phương án bù đắp lại diện tích đã chuyển đổi. Thực tế, diện tích đất khai hoang nằm trên các sườn núi để cấp cho người dân tái định cư liệu có đủ điều kiện để canh tác hay không là việc cần phải xem xét lại.
Sông chết, người lo
Theo thiết kế, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum sẽ chặn dòng lấy nước từ sông Đắk Snghé chảy theo đường hầm dài 25 km qua các ngọn núi rồi đổ về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).
Theo Liên hiệp Các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước sẽ gây cạn kiệt và suy giảm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, kinh tế – xã hội khu vực hạ lưu sông Đắk Snghé, Đắk Bla và Sê San. Vào mùa khô, lượng nước sử dụng phát điện của nhà máy khoảng
30 m3/giây, gần gấp đôi lưu lượng bình quân của sông Đắk Snghé. Trong khi đó, trên đoạn sông này chỉ có suối Đắk Kôi có lượng nước khá nhưng nằm gần hạ nguồn, các nhánh suối nhỏ còn lại hầu như không có nước vào mùa khô nên đoạn sông Đắk Snghé dài khoảng 40 km sẽ cạn kiệt hoàn toàn.
Ông Nguyễn Thanh Cao cho biết: “Khi mưa lớn, việc vận hành hồ xả lũ có nguy cơ tạo ra những dòng xoáy làm sạt lở, thay đổi hình thái dòng sông, gia tăng ngập úng các vùng ven sông. Việc chuyển nước từ sông Đắk Snghé sang sông Trà Khúc sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học và sinh kế vùng hạ lưu sông Đắk Snghé”.
Cũng theo Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, hàng ngàn người dân ở 25 xã, phường của các huyện Kon Plông, Kon Rẫy và TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng đến sinh kế do suy giảm nguồn lợi thủy sản, sạt lở đất sản xuất; tính mạng tài sản của người dân bị đe dọa khi mưa lũ lớn.
Đề xuất phương án cứu sông Đắk Snghé
Theo ông Huỳnh Minh Chương, Phó Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, trước nguy cơ sông Đắk Snghé khô cạn, UBND tỉnh đã thuê các đơn vị nghiên cứu độc lập đánh giá lại tác động môi trường, dân sinh phía hạ du. Từ kết quả này, tỉnh đã có công văn đề nghị chủ đầu tư phải thiết kế thêm một ống xả trả lại nước cho sông Đắk Snghé. Ông Nguyễn Thúc Chân, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum, cho rằng đơn vị đã có dự trù bổ sung một ống xả, còn lượng nước xả ra bao nhiêu thì hiện đang thống nhất. Tuy nhiên, dù ống xả được lắp đặt, lượng nước xả trả lại sông Đắk Snghé cũng không đáng kể. Đắk Snghé sẽ là “dòng sông chết”. |