ThienNhien.Net – Từ năm 1994 đến nay, được sự hỗ trợ của Nhật Bản, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã trồng mới và trồng dặm gần 1.000 ha rừng ngập mặn. Theo thời gian, những bức tường xanh vững chắc này đã thực sự trở thành lá chắn bảo vệ đê kè và sự bình yên cho người dân trước giông tố biển khơi. Thế nhưng giờ đây, do sự tác động của nhiều nguyên nhân nên diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp (hiện chỉ còn khoảng 500 ha). Nguy cơ về sự biến mất của lá phổi xanh, của những bức tường chắn sóng đang ngày càng hiện hữu.
Thực trạng buồn
Để góp phần giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và những tổn thất do thiên tai bão lụt gây ra cho cộng đồng dân cư ven sông biển, từ năm 1994 Hà Tĩnh đã trở thành 1 trong 10 tỉnh thành của cả nước được sự tài trợ của Hội chữ thập đỏ Nhật Bản và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế triển khai dự án trồng rừng ngập mặn.
Ông Lê Tập – Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ cho biết: “ Từ năm 1994- 2002, toàn tỉnh trồng được khoảng 551 ha, và đến nay tính cả diện tích trồng mới và trồng dặm hội chữ thập đỏ các cấp đã trồng được gần 1.000 ha bao gồm rừng ngập mặn và rừng phòng hộ. Gần 20 năm trôi qua, rừng ngập mặn ở một số địa phương trên địa bàn đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi. Ngoài tác dụng phòng ngừa thảm họa, điều hòa không khí, những cánh rừng này còn tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho hàng chục ngàn hộ gia đình ở những vùng có rừng từ việc bảo vệ, chăm sóc, thu lượm thủy hải sản…. Thế nhưng, hiện tại rừng ngập mặn đang đứng trước nguy cơ chết hàng loạt và diện tích chỉ còn một nửa”.
Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Lê Tập cho chúng tôi xem bản báo cáo chi tiết do đoàn cán bộ trung ương vừa triển khai đo đạc lại diện tích rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh. Nhìn theo báo cáo bằng hình ảnh, màu xanh của những cánh rừng ngập mặn tại các vùng lần lượt bị thu nhỏ hoặc biến mất hoàn toàn trên bản đồ. Cụ thể ở một số xã được triển khai trồng từ gian đoạn 1994-2004: như Thạch Bằng- Lộc Hà diện tích đầu vào 61 ha, hiện chỉ còn 4,3ha; Thạch Kênh – Thạch Hà diện tích đầu vào 38 ha, hiện tại không còn ha nào; Xuân Giang- Nghi Xuân có diện tích đầu vào 38ha nay còn 10,8ha; Cẩm Lĩnh- Cẩm Xuyên đầu vào 69 ha hiện tại 0 ha; Cẩm Nhượng diện tích đầu vào 35 ha nay còn 5,5ha, Cẩm Lộc 141 ha nay còn 10,6 ha…
Vẫn biết rằng việc đo bằng máy mọi số liệu đều chỉ là ước lượng nhưng trước diện tích rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp, người dân ở những vùng hưởng lợi không khỏi băn khoăn. Ông Nguyễn Trung Hoa – người đã từng bảo vệ rừng ngập mặn ở xã Thạch Long cho hay: “ Từ khi có rừng ngập mặn, lại có đê ngăn mặn người dân vùng ven sông nước như chúng tôi đã không còn phải lo lắng nhiều mỗi khi nghe tin đài báo bão, bởi đã có sự che chở của rừng. Nhưng thời gian gần đây, không hiểu vì sao cây chết hàng loạt, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Cứ như thế này thì khoảng 10 năm nữa chắc là rừng ngập mặn ở Thạch Long sẽ bị xóa sổ”.
Công tác bảo vệ rừng vẫn bị bỏ ngỏ
Cùng với một số địa phương khác, những năm trước đây rừng ngập mặn ở Thạch Long đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân hưởng lợi mà còn là niềm vui của những người thực hiện dự án khi những cánh rừng bát ngát đã thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng tồn tại được lâu khi nạn chặt phá rừng để làm chất đốt của người dân ngoài địa phương vừa được dẹp bỏ thì người dân lại phải đối mặt với nỗi lo cây chết hàng loạt. Và không chỉ riêng ở Thạch Long mà thực trạng này xảy ra ở hầu khắp các địa phương có diện tích rừng ngập mặn.
Ông Trần Văn Tình – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “ Theo như kinh nghiệm của chúng tôi thì nguyên nhân dẫn đến cây chết hàng loạt một phần là do sâu bọ, hàu, hà ăn gốc; do thổ nhưỡng không phù hợp với loại cây trồng. Cụ thể với diện tích rừng phòng hộ, chúng tôi tham mưu trồng keo thì nhà tài trợ lại cho giống phi lao, ở vùng ngập mặn chúng tôi tham mưu trồng đước thì lại được chỉ định trồng trang ( ở Cẩm Lĩnh)… Và ngoài ra ý thức của người dân khi thả rông trâu bò trên vùng trồng rừng ngập mặn, khi để rác rưởi ngập tràn các khoảnh rừng ở Cẩm Lộc, Cẩm Nhượng, Cẩm Hà…cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của rừng”.
Ông Lê Tập – Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh:
“Chính phủ đã có văn bản về việc công nhận rừng ngập mặn mà một thực thể rừng, thế nhưng đến nay ở Hà Tĩnh, ngành nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn chưa coi rừng ngập mặn là một thực thể rừng, nên công tác bảo vệ và phát triển những diện tích rừng đã có hiện còn gặp nhiều khó khăn”. |
Ngoài nguyên nhân về sâu bọ, hàu, hà, do thời tiết rét đậm rét hại kéo dài như những năm trước… thì theo người dân ở địa phương hiện tượng rừng ngập mặn ở một số xã thuộc huyện Lộc Hà và Thạch Hà chết còn bởi nguyên nhân ngọt hóa sông Nghèn. Thông thường, việc chữa bệnh cho cây sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu xác định được nguyên nhân, nhưng với những cánh rừng ngập mặn việc khắc phục tình hình vẫn đang là câu hỏi không lời đáp.
Ông Nguyễn Trung Hoa – người đã từng làm công tác bảo vệ rừng ngập mặn ở Thạch Long tâm sự: “Trước đây cũng đã có đoàn cán bộ về với địa phương để nghiên cứu việc cây chết hàng loạt trên địa bàn. Họ đã lấy các mẫu đất, nước, sâu bọ… để nghiên cứu. Người dân chúng tôi rất hy vọng vào một biện pháp nào đó để ngăn chặn các loại sâu bệnh tàn phá rừng nhưng sự chờ đợi cũng chỉ là vô vọng khi đoàn cán bộ ấy một đi không trở lại, khi việc phục hồi những cánh rừng ngập mặn chẳng có biện pháp nào khác ngoài trồng dặm mà kinh phí thì không có, việc tìm kiếm giống cũng hết sức khó khăn”.
Thực tế, sau khi dự án rừng ngập mặn kết thúc ở một số địa phương, công tác bảo vệ rừng càng gặp khó khăn hơn khi không biết phải bàn giao cho ai. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Rộng – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Lộc Hà không dấu nổi băn khoăn: “Trách nhiệm của Hội là chỉ vận động bà con trồng rừng, còn vấn đề bảo vệ rừng tôi thiết nghĩ đó là trách nhiệm của phòng nông nghiệp, chi cục kiểm lâm, của toàn xã hội. Nhưng thực tế những ngành chức năng đó chưa có động thái gì, chúng tôi và chính quyền các địa phương vẫn đang phân vân vì không biết giao việc quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn cho ai”.
Và trong lúc các ngành chức năng các cấp ủy chính quyền vẫn chưa có động thái nào thì rừng ngập mặn vẫn đang từng ngày, từng giờ chết dần chết mòn. Còn những người dân vùng ven sông nước lại đối mặt với nỗi lo mất rừng ngập mặn đồng nghĩa với việc xói lở đê điều, là cuộc sống của họ phải đối mặt với sóng gió, triều cường mỗi khi mùa mưa bão đến.