ThienNhien.Net – Xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên có 7km bờ biển trải dài qua các thôn Cái Mắt, Thuỷ Cơ, Đồng Châu, đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều người dân nhờ làm nghề biển. Đồng chí Lê Mạnh Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Tiên Lãng cho chúng tôi biết: “Một trong những biện pháp xóa nghèo rất hiệu quả của Tiên Lãng đó là bà con ngư dân đã biết đoàn kết bảo vệ biển. Trong những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác môi trường biển mà nguồn lợi thuỷ sản của rừng ngập mặn đã góp phần đáng kể trong công tác xoá nghèo của xã chúng tôi đấy”.
So với các thôn giáp biển thì Đồng Châu có nhiều rừng ngập mặn nhất. Ông Vũ Minh, Trưởng thôn Đồng Châu dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn. Ông bảo: “Rừng ngập mặn là niêu cơm chung của cả thôn chúng tôi đấy. Từ việc biết phát huy vai trò của rừng ngập mặn mà đời sống của bà con trong thôn đã được nâng cao rất nhiều. Đấy đồng chí xem ở thôn có rất nhiều nhà cao tầng, đều của dân đi biển cả đấy”. Đồng Châu có 200ha rừng ngập mặn. Dưới những tán rừng ngập mặn trải dài là nguồn hải sản phong phú. Mùa nào thức ấy, cứ khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 là mùa cá nhệch và sâu đất; tháng 4 là mùa ruốc lỗ. Tiếp theo là hà sú từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, còn ngán gần như khai thác được quanh năm. Hiện nay Đồng Châu hàng ngày có hơn 200 người đi khai thác hải sản ở bãi triều, cho thu nhập từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/người/buổi đi biển. Trưởng thôn Vũ Minh hồ hởi cho biết thêm: “Chỉ có hộ ông bà già độc thân, hay người ốm đau quanh năm mới chịu nghèo, còn hầu như bà con ai đi ra biển đều kiếm được chút ít. Chỉ tính riêng con ruốc lỗ người dân trong thôn đã khai thác ước tính được khoảng 20 tấn/năm rồi. Có thời điểm lái buôn đến tận thôn thu mua với giá 1 triệu đồng/kg ruốc lỗ, còn bình thường cũng vài trăm nghìn đồng/kg. Còn các loại hải sản khác như sâu đất, ngán đều dao động trên dưới 300.000 đồng/kg…”.
Vậy mà có thời gian, người dân Đồng Châu lao đao với nghề khai thác hải sản ở rừng ngập mặn. Một phần do bà con chưa được tuyên truyền nên mạnh ai người ấy làm, lại còn chuyện cách đây hơn chục năm, rừng ngập mặn bị chặt phá để trở thành những đầm nuôi tôm, rồi có người nhân cơ hội “đục nước béo cò”, chặt phá rừng làm củi hay lấy nhựa cây để nhuộm chài lưới. Không những thế, còn có nhiều tàu bè lạ xâm nhập vùng biển của xã để dùng kích điện khai thác nguồn lợi thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt. Kéo theo chuyện thỉnh thoảng lại xảy ra xô xát, mất an ninh trật tự trên địa bàn xã vì ngư dân nơi nọ, nơi kia tranh nhau vùng khai thác.
Đó là chuyện trước kia, còn từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1902/QĐ-TTg, ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng mô hình dân quân tự vệ, UBND huyện Tiên Yên đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng điểm Trung đội dân quân biển xã Tiên Lãng vào tháng 3 năm 2011, gồm 28 thành viên, lấy luôn lực lượng thanh niên trong xã làm nòng cốt.
Trung đội dân quân biển đã phối hợp với các cán bộ xã, thôn đến từng nhà chủ tàu để tuyên truyền về bảo vệ ngư trường đánh bắt ngoài khơi và bảo vệ rừng ngập mặn. Họ đã được bà con nhiệt tình ủng hộ. Thôn Đồng Châu cũng phát động tất cả người dân nâng cao ý thức phát hiện, ngăn chặn hoặc báo cho Trung đội dân quân biển các hành động chặt phá rừng, hay dùng xung điện tận diệt nguồn lợi thuỷ sản ở rừng ngập mặn. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, nhiều loài hải sản có thời tưởng không còn hoặc cạn kiệt thì nay đã trở lại. Cũng từ việc biết bảo vệ môi trường mà rừng ngập mặn đã tạo công ăn việc làm và thu nhập không nhỏ cho bà con. Đến nay Đồng Châu chỉ còn 2,6% hộ nghèo, góp phần lớn vào việc giảm nghèo chung của xã Tiên Lãng tính đến cuối năm 2012 còn 6,9% là hộ nghèo.