ThienNhien.Net – Vùng biển Kiên Giang có diện tích hơn 63.000 km vuông, với bờ biển dài gần 200 km và 143 hòn đảo, trong đó, 41 đảo có cư dân sinh sống. Vùng biển này đang có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường làm suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên biển mà nguyên nhân chủ yếu do các nguồn gây ô nhiễm chưa được quản lý, kiểm soát, xử lý.
Theo một nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, biển Kiên Giang bị rất nhiều yếu tố gây ra ô nhiễm, trong đó bao gồm những hoạt động chủ yếu như: Ô nhiễm từ khu công nghiệp xi măng Kiên Lương; ô nhiễm từ canh tác lúa; ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm từ các cảng cá; ô nhiễm từ các làng nghề; ô nhiễm từ rác thải khu đô thị; ô nhiễm từ phát triển du lịch; ô nhiễm từ lắng đọng trầm tích biển và ô nhiễm từ nuôi chim yến…
Trong những nguyên nhân kể trên, có những nguyên nhân đang thực sự gây nên ô nhiễm môi trường nặng nề, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Đó là hiện nay, tỉnh Kiên Giang có hơn 12 nghìn chiếc tàu cá cùng hàng nghìn tàu cá khác của các tỉnh trong vùng hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường, với hàng trăm nghìn người lao động trên biển. Hoạt động sản xuất này gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do các loại rác thải phát sinh từ trong quá trình đánh bắt, vận chuyển hải sản trên biển, rác thải từ hoạt động này như: dầu nhớt rơi vãi, chất thải sinh hoạt của ngư dân ném xuống biển…
Tỉnh Kiên Giang hiện có 5 cảng và 2 bến cá đang hoạt động, trong đó, Cảng cá Tắc Cậu nằm bên bờ sông Cái Bé thuộc thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Bình quân mỗi năm, có hơn 14.700 lượt tàu đánh cá, tàu vận chuyển hải sản trên ngư trường trong, ngoài tỉnh cặp bến, với sản lượng thủy – hải sản qua cảng khoảng 236.000 tấn, cung ứng cho thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu. Lượng tàu thuyền lớn như vậy, nên đã gây ra tình trạng ngày càng ô nhiễm nặng và quá tải.
Ngoài ra, còn có khoảng hơn 4.000 tàu cá công suất nhỏ đánh bắt ven bờ bằng những công cụ mang tính tận diệt, không những làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn gây ô nhiễm môi trường. Việc nuôi hàng nghìn lồng bè cá trên biển hàng năm ở Kiên Giang cũng tạo nguồn ô nhiễm môi trường biển. Với diện tích nuôi tôm gần 85.000ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp hơn 1.550 ha, do chưa có biện pháp xử lý nước thải hiệu quả nên dư lượng hóa chất cải tạo ao đầm nuôi tôm, thuốc thú y thủy sản, bùn đáy ao đầm… thải thẳng ra biển cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Cùng với đó, hiện Kiên Giang có trên 30 nhà máy chế biến thủy sản, với công suất sản xuất hàng chục ngàn tấn mỗi năm, nhưng phần lớn các nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải. Chỉ tính riêng tại khu cảng cá Tắc Cậu, trên địa bàn huyện Châu Thành nằm bên bờ sông Cái Lớn đổ ra biển cũng đã có tới 18 nhà máy, với lượng nước thải hơn 10.000 mét khối /ngày. Tuy nhiên, chỉ một số ít nhà máy có hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó là hàng nghìn cơ sở sơ chế cá khô, chế biến nước mắm hầu hết xả thải thẳng ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm.
Cùng với đó, du lịch tham quan biển, lặn ngắm san hô phát triển mạnh làm tăng lượng rác thải trên biển. Hoạt động của khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ gây ô nhiễm quanh các vùng ven biển, ven đảo. Ngoài ra, phải kể đến hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển khá lớn là khai thác cát, tạo trầm tích, tăng độ đục, xáo động môi trường sống và sự phát triển của các loài thủy hải sản. Dân cư sinh sống ven sông, ven biển, phần lớn xả rác thải trực tiếp xuống sông, xuống biển và rác được thu gom, xử lý bằng công nghệ mới chưa nhiều dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Theo đề xuất của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, các cấp, ngành cần có những giải pháp mang tính chiến lược hữu hiệu để quản lý, kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đó là việc, tỉnh Kiên Giang cần sớm triển khai thực hiện các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông, cửa biển, kết hợp tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, cải thiện môi trường, thắt chặt quản lý đánh giá tác động môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp gây ô nhiễm dọc các lưu vực sông. Việc triển khai thực hiện nuôi trồng thủy sản theo hướng GAP, hạn chế sử dụng thuốc thú y thủy sản, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép, xử lý nước thải trước khi đưa ra ngoài môi trường chung, cũng là giải pháp cần thực hiện thường xuyên, đồng bộ. Đồng thời, vận động tuyên truyền các chủ tàu cá, ngư phủ không xả thải dầu nhớt, vứt túi nhựa, rác thải xuống biển. Các nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất nước mắm phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuyên truyền vận động người dân, cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ, cải thiện môi trường, các doanh nghiệp sản xuất vì nền “kinh tế xanh”.
Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, để hạn chế ô nhiễm môi trường biển, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ ngăn chặn, khắc phục và xử lý gây ô nhiễm môi trường, trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên với con người và xã hội.