ThienNhien.Net – Thị trường carbon đến nay vẫn được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy hiện nay mới chỉ tham gia thị trường carbon với tư cách nhà cung cấp chứng chỉ giảm thải, Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận trên thị trường này, tạo đà cho những triển vọng xa hơn trong tương lai.
Nền móng ban đầu trên thị trường carbon
Là một trong những nước được đánh giá là tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm có các chính sách hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Theo Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu được Thủ tướng phê duyệt 12/2011 thì giảm phát thải KNK được đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2012 cũng nhận định tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% giai đoạn 2011-2020 so với mức năm 2010; giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường.
Thiết lập và Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vì vậy là một con đường phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước và chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu nhất định thông qua việc thực hiện Cơ chế Phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam chiếm 3,27% số dự án CDM được đăng ký trên thế giới, tính đến ngày 11/11/2012, đứng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Số liệu đến tháng 11/2012 ghi nhận số dự án CDM của Việt Nam được Ban Chấp hành Quốc tế CDM (EB) công nhận là 165, với tổng lượng giảm phát thải trong thời kỳ tín dụng là 80.728.254 tấn CO2. Các dự án CDM được công nhận chủ yếu là từ lĩnh vực năng lượng, thu hồi khí thải, xử lý nước thải, rác thải…
Đến tháng 10 năm 2012, Việt Nam đã được EB cấp 7.060.089CER (chứng chỉ giảm phát thải từ CDM) , xếp thứ 9 trên thế giới về số lượng CER.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam vào thị trường carbon thế giới, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, tại một cuộc hội thảo nhìn nhận về cơ hội và thách thức của Việt Nam cũng chỉ ra một số điểm yếu của chúng ta. Theo đó, các nhà đầu tư Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến CDM và thường không chọn cách chia sẻ phí tổn và rủi ro trong quá trình phát triển, đăng ký dự án CDM và bảo hiểm cho CER. Họ thường chọn cách thức giao dịch CER mà người bán chịu rủi ro và chi phí thấp và điều này khiến giá CER bán ra thấp. Ngoài ra, Hiệp định thương mại khí thải (ERPA) thường do bên mua soạn thảo do chúng ta còn thiếu các kinh nghiệm giao dịch quốc tế nên thường chịu thế bất lợi, đặc biệt nếu có biến động lớn trên thị trường.
Rốt cuộc, ngoài yếu tố thị trường hiện nay đang ảm đạm thì con đường thâm nhập sâu vào thị trường carbon thế giới của Việt Nam còn nhiều khó khăn ở phía trước, đặc biệt khi mà các dự án CDM hiện chỉ được phép đăng ký đến hết ngày 31/12/2012 và EU, người mua tới 80% tín chỉ carbon trên thị trường, sẽ chỉ chấp nhận mua CER từ các nước kém phát triển kể từ năm 2013. Điều này đặt ra thách thức mới đối với Việt Nam, song đồng thời cũng mở ra những cơ hội và triển vọng mới để chinh phục thị trường này.
Triển vọng mới cho thị trường carbon Việt Nam
Ngoài CDM, hiện nay có một số cơ chế thị trường mới mà Việt Nam có thể tham gia với nền tảng và kinh nghiệm từ việc thực hiện CDM và sự hỗ trợ pháp lý từ các chiến lược quốc gia về BĐKH và Tăng trưởng xanh.
Các Cơ chế thị trường mới (NMM) được đưa ra tại COP17 tại Duban có thể coi là một cơ hội để Việt Nam đệ trình về phương thức và thủ tục thực hiện giảm phát thải vì đến nay cơ chế NMM còn đang để ngỏ và chờ đợi đề xuất từ các quốc gia. Tính đến tháng 5/2012 mới chỉ có 8 quốc gia, nhóm 22 quốc gia, EU, LDC, Liên minh các quốc đảo nhỏ gửi tài liệu đề xuất cho cơ chế này.
Theo bà Đặng Hồng Hạnh, giám đốc Công ty Tư vấn Năng lượng và Môi trường, đơn vị tư vấn đầu tiên về CDM ở Việt Nam, thì ngoài kinh nghiệm thực hiện các dự án CDM, chúng ta cũng thuận lợi nếu áp dụng NMM vì nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của khu vực tư nhân, điều đã làm nên sự thành công của các dự án CDM, là một yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho chúng ta trong các cơ chế thị trường mới. Vấn đề hiện nay là Việt Nam cần đưa ra mục tiêu và quan điểm mạnh mẽ xác định cơ chế phù hợp với mình và đồng thời lồng ghép NMM vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ngoài ra, Cơ chế tín dụng bù trừ song phương (BOBCM), một sáng kiến của Nhật Bản nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu trên cơ sở xây dựng các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ phát thải thấp tại các nước đối tác cũng là một hướng đi mới để tiếp cận công nghệ ít carbon và thương mại khí thải của Việt Nam.
Nhật Bản và Việt Nam đã cam kết cùng nghiên cứu và xem xét thực hiện BOCM theo Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản năm 2010 và 2011. Đến nay chúng ta đã có trên 20 dự án thí điểm được thực hiện trong các lĩnh vực nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, khai thác than, thiết lập trung tâm dữ liệu và Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon( REDD+).
Ngoài ra, Việt Nam còn có thể áp dụng NAMA – các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia được kêu gọi tại Kế hoạch hành động Bali năm 2007 đối với các nước đang phát triển. Đây là cách thức để các nước đang phát triển hỗ trợ công nghệ và tài chính cho các nước đang phát triển nhằm đạt được tiến bộ trong việc giảm phát thải khí nhà kính từ một hoặc nhiều lĩnh vực có phát thải.
Theo Đề án “Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới” vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 21/11/2012 thì giai đoạn 2012-2015, Việt Nam sẽ xây dựng Khung chương trình NAMA, xây dựng phương pháp luận, đăng ký và thực hiện thí điểm NAMA; xây dựng hệ thống Đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) cấp quốc gia và cấp ngành liên quan. Giai đoạn 2016-2020, sẽ đăng ký và triển khai rộng các NAMA trên cơ sở kết quả thành công của NAMA thí điểm.
Theo các phân tích thì thị trường carbon sẽ khởi sắc sau năm 2015. Từ nay đến lúc ấy, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm để phát triển thị trường này.