ThienNhien.Net – Xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở Lào Cai theo hướng bền vững không những khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn tạo động lực góp phần thúc đẩymạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành công
Xác định việc xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp là một định hướng đúng đắn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng tập trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, hai Khu công nghiệp Đông Phố Mới và Tằng Loỏng với quy mô 1.500 ha đã được Chính phủ phê duyệt thuộc danh mục ưu tiên phát triển đến 2015, định hướng đến 2010. Riêng Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ năm 2002 với quy mô 80 ha và đề nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch các khu công nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2015, định hướng đến năm 2020. Thời gian qua, các khu, cụm công nghiệp này đã thu hút nhiều nhà đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện nay, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu thút 129 dự án đăng ký dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 19.400 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các dự án tại Khu công nghiệp Đông Phố mới trên 81%, Tằng Loỏng 76% và Bắc Duyên Hải đạt trên 97%.
Trong số các dự án đăng ký đầu tư, đã có 66 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và 21 dự án đang xây dựng với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 5.530 tỷ đồng. Các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản đều thực hiện đúng mục tiêu dự án được duyệt. Nhiều dự án sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao như: Công ty luyện đồng Lào Cai, Công ty cổ phần hoá chất Đức Giang Lào Cai, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam…Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2009-2012 đạt gần 2.650 tỷ đồng, qua đó, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 800 tỷ đồng.
Thách thức
Sự phát triển mạnh mẽ và những đóng góp cho phát triển kinh tế của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển các khu, cụm công nghiệp trong thời gian qua còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập như: Công tác quản lý, chấp hành và thực hiện qui hoạch vẫn xảy ra tình trạng xây dựng sai quy hoạch (cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải); vấn đề quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, dịch vụ liền kề khu công nghiệp chưa được quan tâm thực hiện; tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật nơi đây còn chậm. Đặc biệt, khi các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Tằng Loỏng đều gặp khó khăn trong việc đền bù, tái định cư, san tạo mặt bằng và đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, bởi một số dự án được giao đất nhưng chậm triển khai thực hiện dự án theo cam kết, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; cá biệt một số dự án còn cho thuê lại xưởng sản xuất, mặt bằng, tự ý chuyển nhượng đất không đúng qui định… gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng đến nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Điều đáng quan tâm ở đây là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở Khu Tằng Loỏng gây bức xúc trong dư luận bởi hiện vẫn còn một số hộ dân đang cư trú trong khu này phải chịu ảnh hưởng; việc xử lý chất thải tập trung chưa được đầu tư; chất thải nguy hại tồn đọng trong khu công nghiệp mặc dù đã được các ngành chức năng kiểm tra phát hiện, nhưng chưa xử lý triệt để.
Để phát triển bền vững
Những bất cập trên nếu không được tháo gỡ nhanh chóng sẽ làm cản trở đến chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Do đó, để các khu công nghiệp phát triển đúng hướng, hiệu quả, Lào Cai cần tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với các khu, cụm công nghiệp để tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả, tạo việc làm và bảo vệ môi trường.
Yêu cầu cấp bách hiện nay là các ngành chức năng cần xem xét xây dựng khu xử lý chất thải tập trung tại các khu công nghiệp theo hướng xã hội hoá; đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm về bảo vệ môi trường. Hơn nữa, cần xử lý kiên quyết, kịp thời những dự án không triển khai, vi phạm qui định về sử dụng đất đai, cố tình kéo dài thời gian thực hiện dự án để giữ đất, những dự án hoạt động không hiệu quả… để giành quỹ đất của các khu này cho những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng.
Một số nhà đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn cho biết, khi triển khai dự án ở giai đoạn đấu rất khó tuyển kỹ sư, chuyên gia quản lý bậc trung trở lên để làm việc trong doanh nghiệp. Phần lớn lao động làm việc trong các công trình trọng điểm như: xây dựng các nhà máy thủy điện, luyện kim, hóa chất… là cán bộ, kỹ thuật, công nhân bậc cao ở các doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành Trung ương, người nước ngoài vào Lào Cai làm việc. Bởi vậy, địa phương phải có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” và có những điều chỉnh cho thích hợp hơn; kết hợp tốt việc “lấp đầy” diện tích các khu công nghiệp với việc nâng cao chất lượng các dự án đầu tư vào nơi đây bằng cách khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và phát triển bền vững; đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp… Với những kết quả các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đạt được thời gian quan cùng với việc nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn, chắc chắn các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn sẽ phát triển bền vững, thật sự là nền tảng và động lực to lớn góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công.