ThienNhien.Net – Các chủ đầu tư thủy điện không mấy quan tâm đến công tác tái định, đẩy người dân vào chỗ thiếu đất sản xuất…
Gần 10 năm nay, khi mà hàng loạt thủy điện ở khu vực miền Trung được khởi công xây dựng, thì cũng có hàng ngàn hộ dân di dời vào các khu tái định cư, hàng ngàn hecta đất canh tác phải nhường chỗ cho thủy điện. Thế nhưng, các chủ đầu tư thủy điện không mấy quan tâm đến công tác tái định đẩy người dân vào chỗ thiếu đất sản xuất, cuộc sống nơi ở mới còn nhiều khó khăn.
Để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Bình Điền, 300 hộ dân xã Dương Hòa đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn chuyển đến Khu tái định cư mới tại xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, những hộ dân này vẫn chưa được bố trí đất canh tác, cuộc sống khó khăn. Anh Nguyễn Văn Thương, Trưởng thôn Bồ Hòn cho biết, Khu tái định cư Bồ Hòn có 55 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu vẫn phải đi làm thuê vì thiếu đất sản xuất.
“Từ khi mà về đây, kinh tế giảm sút rất nhiều vì lý do thiếu đất sản xuất. Chúng tôi là người dân lao động mà không có đất thì không có gì để làm ăn. Nhà tôi 9 miệng ăn, đất vườn thì được 2 sào, đất sản xuất thì không có, đất trồng rừng thì được 1 ha. Còn bà con khác nữa, rất khó khăn về vấn đề kinh tế” – ông Thương nói.
Tái định cư kiểu “đem con bỏ chợ”, không quan tâm đến đời sống người dân là tình trạng chung của nhiều dự án thủy điện ở miền Trung. Lấy đất để xây dựng công trình thuỷ điện ĐăkMi 4, tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chủ dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đã xây dựng 2 khu tái định cư Phước Hoà và Phước Xuân.
Tuy nhiên, những ngôi nhà tái định cư chưa ở đã xuống cấp nên 5 năm qua, những hộ tái định cư là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng phải sống trong những khu nhà nhếch nhác, hư hỏng. Mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng, rộng 4 m, dài 10 m, không có đất chăn nuôi, trồng vườn, thiếu nước sinh hoạt.
Ông Hồ Văn Đăm, khu tái định cư ĐăkMy 4A, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam than thở: “Nhà thì dột, đất làm ăn thì không có. Giờ đói nghèo rồi”.
Các thủy điện ở miền Trung tích nước cũng làm mất đi diện tích hoa màu của người dân. Mới đây, thủy điện Đăkrông 3, tỉnh Quảng Trị tích nước đã gây ngập chìm tài sản, hoa màu của 13 hộ dân huyện Đăkrông mà không hề đền bù thiệt hại.
Đầu năm 2010, Công ty Cổ phần thuỷ điện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế tích nước trên sông Bồ làm mất 250 ha cao su và rừng trồng của người dân xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, sau gần 3 năm người dân bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù.
Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng và tích nước lòng hồ, Ban quản lý Dự án thủy điện Hương Điền đã không kiểm tra việc đo đạc lòng hồ dẫn đến chồng lấn trên diện tích trồng cao su của dân, không kiểm soát hết diện tích đất lòng hồ trước và sau khi bàn giao.
Ông Nguyễn Đại Vui nêu bức xúc của người dân: “Hiện nay cao su thì ngập, tiền lãi ngân hàng thì sinh sôi, công việc thì không có nên rất khó cho dân. Dân nói rất chí lý, từ một hộ bình thường có gắng thoát nghèo vươn lên nhưng bây giờ từ khá mà xuống nghèo khó”.
Tại tỉnh Phú yên, từ ngày các hồ chứa thủy điện hình thành trên dòng sông Ba, mùa khô, vùng hạ du con sông này rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Đập đầu mối thủy nông Đồng Cam, công trình thủy lợi tưới cho trên 30.000 ha lúa có thời điểm mực nước xuống dưới tràn đến cả 1 mét. Dòng sông Ba có nơi trơ đáy, nhiều đoạn trở thành dòng sông chết.
Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị: “Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức vận hành xả lũ trong mùa lũ và mùa kiệt cũng cần có sự liên kết vận hành liên hồ để đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có điều hành trong tỉnh, còn các hồ ngoài tỉnh thì chúng tôi có kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Thủy điện ở các tỉnh miền Trung gây ra nhiều khó khăn cho người dân. Vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh miền Trung đã mạnh dạn rà soát, loại bỏ và nói không với thủy điện.