ThienNhien.Net – Chỉ riêng tại Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM có ít nhất 5 bộ phận có chức năng kiểm tra và cấp các loại giấy phép liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn hàng loạt các đơn vị chức năng khác cũng có cùng chức năng trên như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công an, Tổng cục Bảo vệ môi trường, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường, phòng tài nguyên – môi trường, phòng cảnh sát môi trường các quận huyện, ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp… Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp phải chịu đựng tối thiểu hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra môi trường và chỉ xoay quanh cùng một nội dung.
Lạm dụng
Bà Nguyễn Thị Tâm Lăng, Phó phòng Quản lý đất và môi trường Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM bức xúc, đa phần các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao là doanh nghiệp nước ngoài. Họ không rành lắm về thủ tục quản lý của nước ta. Do vậy, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đóng vai trò hỗ trợ về mặt pháp lý cho họ. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực quản lý về môi trường thì ngay đến chúng tôi cũng không hiểu đơn vị nào, cơ quan nào có chức năng thanh tra môi trường tại các doanh nghiệp trong khu. Các đơn vị này trước khi kiểm tra có phải phối hợp với ban quản lý không? Thời gian qua việc thanh tra bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong khu cực kỳ rối rắm. Lúc thì Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường đến kiểm tra, nhưng cách đó không lâu lại có Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường, Tổng cục Bảo vệ môi trường đến kiểm tra tại một doanh nghiệp với cùng một nội dung. Chưa kể, Phòng Tài nguyên – Môi trường quận 9 cũng thường xuyên phối hợp với ban quản lý để kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp… Vậy đơn vị nào mới chính thức có chức năng và thẩm quyền kiểm tra môi trường các doanh nghiệp tại khu?
Cùng bức xúc của bà Nguyễn Thị Tâm Lăng, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho biết, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thanh tra sở đã gặp không ít trường hợp doanh nghiệp phản hồi như trên. Có khi, cùng vào ngày thanh tra sở quyết định thanh tra doanh nghiệp thì cũng đã có đoàn xuống kiểm tra hoặc trước đó doanh nghiệp cũng đã bị kiểm tra cùng nội dung đó. Không chỉ vậy, hiện đang có tình trạng cán bộ quản lý môi trường lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm khó doanh nghiệp. Điển hình nhất là xuất hiện nhiều cán bộ quản lý môi trường đến kiểm tra doanh nghiệp nhưng lại không xuất trình bất cứ giấy tờ yêu cầu nào của cơ quan chủ quản. Sau khi kiểm tra xong cũng không hề có biên bản kiểm tra. doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh chuyện này với thanh tra sở nhưng rất khó giải quyết do không có bằng chứng cụ thể. Còn bản thân doanh nghiệp không thể không cho cán bộ đó vào vì nhiều lý do chủ quan. Trong đó, không ngoại trừ doanh nghiệp ngại đụng chạm với cán bộ quản lý môi trường.
Việc có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra có cùng chức năng và nội dung kiểm tra về môi trường dẫn đến hiện tượng chồng chéo. Thời gian gần đây, Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường đã cảm thấy ái ngại thay cho doanh nghiệp vì bị làm phiền. Bản thân sở đã phải nhiều lần hủy quyết định thanh tra và yêu cầu doanh nghiệp chỉ gửi biên bản vừa được đoàn thuộc cơ quan chức năng khác kiểm tra môi trường lên sở.
Ô nhiễm vẫn “nóng”
Theo phản ánh của các quận huyện, việc chồng chéo thanh kiểm tra môi trường thường xảy ra tại các doanh nghiệp lớn. Còn những cơ sở sản xuất nhỏ, hộ kinh doanh gia đình lại không mấy được các cơ quan trên quan tâm. Điển hình là vụ ô nhiễm kéo dài tại khu vực phường Đông Hưng Thuận quận 12 xảy ra hơn 10 năm. UBND TPHCM đã chủ trì yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng này nhưng cho đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường quận 12 cũng thừa nhận, hiện quận đang bối rối với những cơ sở ở đây, không biết phải giải quyết làm sao. Phạt tiền cũng đã nhiều lần. Sở Tài nguyên – Môi trường đã mạnh tay tham gia bằng hình thức buộc tạm ngưng hoạt động một số cơ sở tái ô nhiễm nghiêm trọng nhưng đến nay việc đâu lại vào đấy. Người dân vẫn kêu than nhưng cơ sở ô nhiễm vẫn đang hoạt động bình thường.
Tương tự, đại diện quận 1 cho rằng, trên địa bàn quận có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể. Thậm chí một tòa nhà có đến 4 – 5 chủ kinh doanh với nhiều loại hình khác nhau. Vậy làm sao để yêu cầu họ thực hiện bảo vệ môi trường, làm sao có thể buộc họ xây dựng hệ thống xử lý nước thải khi quy mô hoạt động của họ quá nhỏ lại liên đới nhiều người… Riêng với những cơ sở quy mô tương đối lớn thì họ có nhu cầu được cơ quan chức năng hỗ trợ giới thiệu công nghệ xử lý chất thải. Thế nhưng, chúng tôi đành chịu vì không biết công nghệ nào để giới thiệu…
Để khắc phục tình trạng này, bà Lê Thị Kim Oanh cho biết, doanh nghiệp cần kiên quyết hơn trong việc từ chối những cán bộ thanh kiểm tra môi trường không xuất trình quyết định thành lập đoàn, nội dung yêu cầu kiểm tra và có địa phương phối hợp kiểm ra. Mặt khác, hiện UBND TP đã có chỉ đạo các quận huyện phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường lập danh sách các doanh nghiệp sẽ phải kiểm tra môi trường trong năm 2013. Tuy nhiên, phải thấy rằng đây chỉ mới là sự phối hợp giữa sở và quận huyện. Còn những cơ quan chức năng khác như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Tổng cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường thành phố và quận huyện… cũng đang có cùng chức năng thanh kiểm tra môi trường thì sao? Liệu tình trạng bức xúc của doanh nghiệp do chồng chéo thanh kiểm tra môi trường có được cải thiện trong năm 2013?