ThienNhien.Net – Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng khoáng sản tương đối lớn với chủng loại phong phú, đa dạng. Song do công tác quản lý, khai thác, kinh doanh còn nhiều bất cập, nên tình trạng khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản vẫn đang diễn biến phức tạp, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Đại tá, PGS.TS Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế-Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an): Qua thực tế đấu tranh, Cục đã nhận diện được 3 dạng doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản.
Trước hết, đó là những doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng không đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi nhuận. Dạng thứ 2 là các doanh nghiệp mua khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp giấy phép để xuất lậu sang nước ngoài. Dạng thứ 3 là doanh nghiệp vận tải, trực tiếp thực hiện hành vi xuất lậu khoáng sản qua biên giới.
Nguyên nhân dẫn đến nạn khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản hiện nay là do việc cấp phép khai thác khoáng sản diễn ra tràn lan, nhưng các cơ quan chức năng không tính đến năng lực chế biến của các doanh nghiệp trong nước; rất ít doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng, phát triển công nghệ chế biến khoáng sản. Nên đến thời điểm này, cả nước mới có 3 nhà máy có đủ năng lực chế biến sâu các sản phẩm chất lượng cao như bột Zircon, xỉ titan, Ilmenite hoàn nguyên…Điều này dẫn đến nghịch lý khoáng sản thô được khai thác rất lớn nhưng năng lực chế biến không đáp ứng nổi. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình buôn lậu khoáng sản ngày càng diễn biến phức tạp.
Hầu hết các doanh nghiệp khi làm thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản đều cam kết xây dựng nhà máy chế biến sâu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hoặc cam kết chỉ khai thác khoáng sản thô phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu tại địa phương. Nhưng sau khi được cấp phép khai thác, đa số các doanh nghiệp không đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, cũng không bán khoáng sản thô cho các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn, mà tìm cách xuất lậu sang nước ngoài. Song các cơ quan quản lý địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Đơn cử như tại Bình Định, từ năm 2008-2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp tổng cộng 34 giấy phép khai thác titan, nhưng trên địa bàn chỉ có 4 nhà máy chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, do đó Bình Định trở thành địa phương trọng điểm diễn ra các hoạt động buôn lậu titan sang nước ngoài. Cụ thể như vụ Lê Văn Chiến, nguyên cán bộ Cục Hải quan Bình Định cầm đầu đã buôn lậu 70.000 tấn quặng titan tại cảng Quy Nhơn.
Mặt khác, sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản, giữa các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và cơ quan quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh. Cũng như sự phối hợp chưa đồng bộ, kém hiệu quả của các cơ quan chống buôn lậu làm gia tăng tình trạng khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản. Về mặt pháp lý, nước ta đang thiếu chế tài xử lý nghiêm và cụ thể đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, nên không có tác dụng răn đe, xử lý các hành vi vi phạm.
Vì vậy, để ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản, những biện pháp cần phải tiến hành ngay đó là Bộ Công thương cần phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh việc xây dựng, quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến theo Quyết định 104/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh cần kiểm tra, rà soát lại các giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp. Đồng thời Ban 127 Trung ương chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác chống buôn lậu khoáng sản, nhất là chống buôn lậu trên biển.