ThienNhien.Net – Các kế hoạch của Trung Quốc cho một vai trò lớn hơn tại Bắc Cực có thể được xây dựng trên các nguồn tài nguyên của Canada.
Các công ty Trung Quốc đang đầu tư hơn 400 triệu USD tại miền Bắc Canada thông qua nhiều dự án khoáng sản và dầu khí, trong khi Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách “lọt vào” Hội đồng Bắc Cực. Mặc dù đa số những dự án của Trung Quốc là nhỏ, nhưng ngành tài nguyên có liên quan đến những câu hỏi chính sách lớn hơn mà các nước Bắc Cực đang phải đối mặt, từ việc bảo vệ môi trường, đến các tuyến đường biển. Nếu Trung Quốc giành được ảnh hưởng trong các vấn đề Bắc Cực trong những năm tới, những tác động có thể “lộ rõ” tại khu vực sân sau phía Bắc Canada. Phó Giáo sư Rob Huebert thuộc Đại học Calgary nói: “Bắc Kinh đã chứng tỏ họ có thể chơi rắn khi ai đó động chạm đến lợi ích của họ”.
Ottawa đã ban hành những hạn chế mới đối với sở hữu nước ngoài đối với các công ty dầu cát và các ngành khác, báo hiệu sự quan tâm của Trung Quốc không phải lúc nào cũng trùng với sự quan tâm của Canada. Mặc dù Canada và Trung Quốc hiện là các đối tác chiến lược của nhau nhưng mối quan hệ kinh tế đang có cách tiếp cận “đừng hỏi-đừng nói” đối với những vấn đề không cùng ý kiến như nhân quyền và chính sách đối ngoại.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của việc Trung Quốc nghiêm túc đến đâu trong vấn đề Bắc Cực và miền Bắc Canada là lượng tiền mặt mà họ sẵn sàng chi cho các nguồn tài nguyên vẫn còn nằm ở lòng đất. Trung Quốc có chiến lược lâu dài và “để dành” trong việc mua lại các tài sản ở miền Bắc Canada. Họ không tìm cách mua để sở hữu và không mua quá 48% cổ phần của một dự án hay công ty. Tương tự như vậy, tại miền Bắc Yukon, lòng chảo khí đốt tự nhiên Eagle Plain đã được phát hiện từ nhiều thập kỷ trước, nhưng không có dự án cỡ lớn nào thành công. Điều đó không ngăn Công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) chi 20 triệu USD để thăm dò lòng chảo này thông qua công ty địa phương của họ là Northern Cross.
Nếu đặt việc không quan tâm đến lợi ích kinh tế trong các vụ đầu tư tại Bắc Cực trong bối cảnh các quan hệ chính trị sâu sắc hơn, người ta nhận thấy một kế hoạch can dự toàn diện của Trung Quốc tại khu vực này. Trong năm 2012, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang quan tâm đến bạn bè mới của họ tại Bắc Cực. Tháng 4/2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm Ice Land và ký các thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các dự án địa nhiệt. Tháng 6/2012, ông Hồ Cẩm Đào đã thăm Đan Mạch, nước đang sở hữu quần đảo Greenland. Công ty Sichuan Xin Metallurgical Mining Investment Co. Ltd hiện tham gia phát triển một dự án quặng sắt tại Greenland. Thụy Điển và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị. Thụy Điển hiện ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc, muốn trở thành quan sát viên Hội đồng Bắc Cực. Nga và Trung Quốc có những mối quan hệ sâu sắc hơn, cả về mức độ kinh tế lẫn địa chính trị toàn cầu.
Trước mắt, nguy cơ đối với Canada từ sự quan tâm của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên Bắc Cực là rất nhỏ do bàn đạp kinh tế của Bắc Kinh còn quá bé. Nhưng kế hoạch của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các lợi ích truyền thống của Canada khi Ottawa bắt đầu bán dầu với số lượng lớn cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc và Mỹ có tranh chấp nghiêm trọng, nếu không phải xung đột công khai. Liệu Canada có tiến hành việc cấm vận Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ hay không?
Nếu Canada cho phép Trung Quốc trở thành một quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực, liệu Bắc Kinh có ủng hộ quan điểm của Ottawa về Tuyến đường Tây Bắc, cho rằng tuyến đường này là lãnh thổ của Canada, hay ủng hộ quan điểm của Mỹ cho rằng tuyến đường này là lãnh hải quốc tế? Liệu có nên cho phép Trung Quốc mua các nguồn tài nguyên Canada nếu Bắc Kinh không tôn trọng lãnh thổ, cũng như quan điểm của Canada về quản lý Bắc Cực và bảo vệ môi trường? Liệu Ottawa biết được bao nhiêu về những quan điểm của Trung Quốc?
Không chỉ có những câu hỏi xung quanh những khác biệt lợi ích giữa Canada và Trung Quốc, mà còn cả vấn đề ảnh hưởng. Liệu Trung Quốc có lợi dụng những hứa hẹn đầu tư để bắt Canada thay đổi các quan điểm hay không?
Để trả lời những câu hỏi trên, người ta có thể tham khảo mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Na Uy. Về vấn đề quản lý tài nguyên, thì tại Nam Cực, Trung Quốc đã dẫn đầu một nỗ lực nhằm phản đối việc thành lập một vài khu vực bảo tồn sinh vật biển tại vùng biển Nam Cực.
Theo văn phòng của Bộ trưởng Bộ Y tế Leona Aglukkaq, đại diện của Canada tại Hội đồng Bắc Cực, hội đồng này đang xem xét yêu cầu trở thành quan sát viên của Trung Quốc trong khi Canada sẽ tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên hai năm Hội đồng Bắc Cực vào tháng 5/2013.